Nếu Quốc hội và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về trần nợ công, Chính phủ Mỹ có thể cạn kiệt tiền mặt và đứng trên bờ vực vỡ nợ vào đầu tháng 6.
Mỹ lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng trần nợ và đối diện nguy cơ vỡ nợ
Theo báo The Economist, hầu hết các nhà đầu tư mong đợi một sự thỏa hiệp vào phút cuối, giúp nước Mỹ tránh được thảm họa vỡ nợ.
Nhưng trong khi Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu lớn, Đảng Dân chủ nhất quyết không nhượng bộ. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng Nhà Trắng phải xem xét các giải pháp của riêng mình, phòng trường hợp xấu nhất là vỡ nợ.
Giải quyết vỡ nợ bằng… phép màu
Một ý tưởng điên rồ để giải quyết vấn đề trần nợ công là tạo ra một đồng xu trị giá hàng nghìn tỉ USD. Kho bạc Mỹ có thể đúc đồng xu với bất kỳ mệnh giá nào. Ý tưởng này lần đầu tiên được đưa ra trên một blog vào năm 2010.
Theo đó, Mỹ nên đúc một đồng xu có giá trị cực lớn, gửi nó vào tài khoản của chính phủ tại Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và sử dụng nó để chi trả cho mọi thứ, từ lương, quân sự đến nghiên cứu khoa học. Chính phủ sẽ không còn cần sự chấp thuận vay từ Quốc hội.
Một ý kiến khác là Nhà Trắng có thể triển khai Tu chính án 14 của Hiến pháp, trong đó quy định “không được nghi ngờ tính hợp lệ của khoản nợ công của Mỹ được luật cho phép”.
Chính quyền Mỹ có thể ban hành sắc lệnh hành pháp trích dẫn Tu chính án 14 và chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục phát hành trái phiếu. Nếu được tòa án chấp thuận, Nhà Trắng sẽ coi trần nợ là vi hiến và được tự do hành động.
Một giải pháp “kỳ diệu” cuối cùng sẽ liên quan đến kỹ thuật tài chính. Trần nợ cụ thể nhắm vào mệnh giá của khoản nợ.
Với lãi suất hiện tại, Kho bạc có thể vay tiền (bằng trái phiếu) trong hai năm với lãi suất hằng năm khoảng 4%.
Thay vào đó, Mỹ có thể phát hành một trái phiếu có mệnh giá bằng khoảng 1/25 so với trái phiếu có lãi suất 4% hiện tại, nhưng có lãi suất cao hơn.
Nhà đầu tư sẽ trả mức giá cao hơn so với mệnh giá ban đầu, và sẽ giảm giá dần khi gần về ngày đáo hạn. Như vậy, Kho bạc nước này vẫn huy động được cùng một lượng tiền mặt từ các nhà đầu tư.
Có thể thấy, những cách giải quyết này đều rất sáng tạo. Tuy nhiên, chúng đều là mưu mẹo và lợi dụng kẽ hở. Điều này hoàn toàn không phù hợp với trái phiếu Chính phủ Mỹ – tài sản tài chính quan trọng nhất của thế giới.
Bên cạnh đó, mỗi giải pháp trên đều phải chịu thách thức pháp lý, gây ra sự bất ổn trên thị trường. Bị mắc kẹt trong các vụ kiện tụng, các “phép màu” trên sẽ không thể ngăn chặn sự hoảng loạn của thị trường.
Giải pháp thực tế nhất
Các quan chức tại Fed và Bộ Tài chính Mỹ đã bắt đầu lập kế hoạch ưu tiên. Đây là danh sách những khoản chi Bộ Tài chính Mỹ sẽ ưu tiên chi trả, khi họ không còn khả năng thanh toán đầy đủ mọi thứ.
Mặc dù vậy, các quan chức Bộ Tài chính thừa nhận riêng với The Economist rằng họ không tự tin rằng việc sắp xếp thứ tự ưu tiên sẽ trôi chảy như dự định.
Để kế hoạch này hiệu quả, chính phủ sẽ phải duy trì tiến hành bán trái phiếu thường xuyên, sử dụng số tiền thu được để trả nợ gốc từ trái phiếu đáo hạn.
Điều này đồng nghĩa rằng các đại lý buộc phải xuất hiện bốn lần một tuần tại các cuộc đấu giá của Bộ Tài chính, đôi khi với hàng tỉ USD trong thế rủi ro. Điều gì xảy ra nếu họ chùn bước và cho rằng môi trường như vậy quá bấp bênh?
Tình hình chính trị cũng sẽ gặp nguy hiểm. Ông Bill Dudley, cựu chủ tịch của Fed New York, từng cho rằng giải pháp đặt người nắm giữ trái phiếu lên trước công chức, người hưu trí và quân nhân “có thể không chứng minh được tính bền vững”.
Bất chấp tất cả những khiếm khuyết rõ ràng, kế hoạch ưu tiên gần như chắc chắn sẽ là phương án dự phòng ban đầu nếu Quốc hội không dỡ bỏ trần nợ kịp thời.
Dù kết quả thế nào, rõ ràng đây không phải là cách để quản lý nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nguồn: tuoitre.vn