Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Bù Đăng liên tục ghi nhận các trường hợp mắc sốt xuất huyết. Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngành y tế huyện đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp đối phó…
Khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng đang điều trị 10 ca sốt xuất huyết. Tính đến ngày 27-7, toàn huyện ghi nhận 104 ca mắc sốt xuất huyết với 13 ổ dịch, trong đó có 4 ca bệnh nặng. So với cùng kỳ năm 2016, giảm số ca bệnh nhưng tăng về ổ dịch. Đầu tháng 6-2017, thị trấn Đức Phong là địa phương xuất hiện ca sốt xuất huyết đầu tiên. Ngay lập tức, ngành y tế huyện lập kế hoạch xử lý, phun hóa chất liệt lăng quăng và tuyên truyền người dân nêu cao tinh thần phòng ngừa bệnh lây lan… Đến nay, trên địa bàn thị trấn chỉ có 3 ca sốt xuất huyết. Đắk Nhau là xã có người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất, với 29 ca tập trung ở các thôn Thống Nhất, Đắk Úy, Đắk Xuyên và Đắk La.
Một bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện
Anh Nguyễn Viết Công, cán bộ chuyên trách phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng cho biết, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng. Tuần 27, toàn huyện ghi nhận có 15 ca sốt xuất huyết, nhưng tuần 28 tăng lên 21 ca. Nguyên nhân số ca bệnh sốt xuất huyết tăng trong thời gian qua là do thời tiết diễn biến thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản. Cùng với đó là việc người dân chủ quan không mắc màn khi ngủ; không dọn vệ sinh môi trường xung quanh khiến muỗi sinh sản nhanh và truyền bệnh cho người. Điều đáng nói là có nhiều trường hợp tự điều trị ở nhà, đến khi bệnh nặng mới vào bệnh viện khám gây khó khăn cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Để ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết bùng phát, những ngày qua, lực lượng chuyên trách Trung tâm Y tế huyện phun hóa chất 2 lượt cho 9 ổ dịch và đang triển khai phun tại 3 ổ dịch còn lại. Đặc biệt, huyện sẽ triển khai phun hóa chất diện rộng tại thôn Đắk Xuyên (xã Đắk Nhau) là nơi có số người bị sốt xuất huyết nhiều nhất huyện. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm loại trừ nguồn lây bệnh. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh; phương tiện truyền thông và nhân lực để triển khai phun hóa chất. Toàn đội lưu động phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn của trung tâm chỉ có 4 người nên rất khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Bác sĩ Tô Quang Thủy, Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế huyện cho biết, bệnh sốt xuất huyết thường có các triệu chứng như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng, người mệt mỏi… Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng, không để các vật dụng chứa nước tù đọng lâu ngày xung quanh nhà. Mặc quần áo dài tay và ngủ mùng cả ngày lẫn đêm. Nếu trong gia đình có người mắc sốt xuất huyết phải để nằm trong mùng, tránh muỗi đốt lây lan cho người khác. Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến cơ sở y tế ngay để được hướng dẫn và điều trị, không tự ý uống thuốc ở nhà nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Theo Báo Bình Phước