Câu chuyện kiểm tra, thi cử, điểm số giáo dục phổ thông được bạn đọc Phương Nga khơi lại trên Tuổi Trẻ ngày 13-5. Tôi muốn góp thêm ý kiến của mình về chuyện học sinh giỏi và đánh giá giáo viên bằng điểm của học sinh.

Điểm số: Cần nhưng chưa đủ - Ảnh 1.

Thầy trò Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) vui vẻ trong lễ tri ân, trưởng thành 

Học sinh đạt điểm cao luôn là điều tốt, là sự tự tin của trò, thành quả của thầy cô và sự hài lòng của phụ huynh. Nhưng điểm số và danh hiệu cuối năm chỉ là một góc của câu chuyện giáo dục ở nhà trường phổ thông.

Khó hơn cả điểm số đẹp

Ai từng dạy học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường tư thục mới thấy học sinh giỏi chăm ngoan cần thiết đến dường nào!

Ở đó, giáo viên thường xuyên tiếp xúc với học sinh chưa ngoan, không giỏi cũng như ít chăm. Thành quả người thầy ở những nơi này không chỉ có những điểm số và danh hiệu.

Và ngay cả những trường công lập bình thường cũng có vô số những chuyện học trò nói tục, chửi thề trong trường, nói chuyện ồn ào ngay trong lớp.

Đi trễ, trốn tiết, sử dụng điện thoại di động trong giờ học, vô lễ với thầy cô, cán bộ, công nhân viên… là chuyện hằng ngày trong trường.

Nếu chỉ nói chuyện điểm số thì chưa hết những vất vả thực tế của thầy cô. Nhiều đồng nghiệp của tôi từng nói “những tiêu chí giỏi chăm ngoan như xưa không đủ với học sinh thời nay”.

Học trò bây giờ không học thụ động, không phải thầy cô nói gì cũng cho là đúng. Trò luôn sẵn sàng phản biện, hoặc nếu không nói ra cũng sẽ có cách nghĩ riêng.

Người thầy bây giờ hướng học sinh đến những tiêu chí khác như kỹ năng thích ứng, chung sống và phát triển, như hợp tác nhóm, tự chủ và năng lực tư duy độc lập, sáng tạo.

Thời nào cũng cần có học sinh giỏi chăm ngoan vì đó là những tiêu chí mà học sinh cần trước khi nghĩ đến chuyện phản biện, tự chủ. Cho nên, điểm 9, 10 là cần nhưng chưa đủ.

Và với số đông học sinh không đạt đến điểm 8, 9, 10 (thậm chí chỉ là điểm 5), các em cần được công nhận, đánh giá đúng ở những tố chất khác để cùng phát triển bên cạnh những bạn điểm cao hơn. Đây là điều rất cần đổi mới, có vậy mới đỡ áp lực điểm số với cả thầy và trò.

Không xét thi đua giáo viên dựa trên điểm của học sinh

Điều này rất đúng nhưng không dễ làm được. Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có chỉ đạo định hướng về việc tránh đánh giá thi đua giáo viên dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá học sinh.

Đây được xem là một chỉ đạo “cởi trói” cho giáo viên khi ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh. Bớt những áp lực điểm số, tỉ lệ học sinh khá giỏi cho thầy cô, dễ hay khó? Thật khó có thể nói dễ.

Ví dụ như khi ra đề kiểm tra, giáo viên rất ngại khi ra những kiến thức rộng hơn những gì có trong sách giáo khoa. Học sinh không làm được, điểm số sẽ ảnh hưởng bất lợi cho giáo viên.

Cho nên, thầy cô cất công soạn đề cương, hướng dẫn ôn, dò bài đến thuộc làu. Học trò miệt mài theo học thuộc đề cương, làm bài theo những gì có trong đề cương. Vậy còn chỗ cho những sáng tạo, cho độc lập suy nghĩ với những đề mới lạ?

Điểm số của học sinh hiện vẫn là thước đo khi đánh giá hiệu quả công việc của thầy cô. Không đánh giá thi đua dựa trên kết quả học tập của học sinh sẽ giúp giáo viên tránh được bệnh thành tích, kết quả sẽ gần đúng hơn với thực học.

Mong định hướng trên sẽ thành sự thật, dù trước mắt nói dễ nhưng làm được thật khó vô cùng!

Học sinh vẫn học thật đấy chứ: học sáng, học chiều, học tối, học ở trường, học ở nhà thầy cô. Vì sao một quyển sách, một môn học, một giáo viên mà học sinh phải học nhiều lần? Học vì áp lực điểm số hay vì học ở trường chưa đủ?

Bạn đọc MI LINH

Điểm thật mới là “trái ngọt”

Nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi về bài viết Cải cách giáo dục phổ thông: Nên từ việc học thật, điểm thật của tác giả Phương Nga trên Tuổi Trẻ ngày 13-5, với mong muốn “việc dạy và kiểm tra đánh giá phải đề cao sự tự giác, trách nhiệm của học sinh.

Điểm số phải phản ảnh đúng kết quả phấn đấu học tập và cả sự phát triển các kỹ năng khác của học sinh. Xin đừng thần thánh hóa điểm số và bằng mọi cách chạy theo điểm và điểm”.

Bạn đọc Nguyễn Hà cho rằng: “Cần phải có cuộc thay đổi triệt để vấn đề này để thay đổi tư duy từ nhà quản trị, thầy cô, cha mẹ, học sinh. Học là để có kiến thức cho bản thân, chứ không phải học để được điểm cao”.

Bạn đọc có số điện thoại 0905******09 bổ sung: “Để giáo dục phát triển thực chất, bền vững và tạo nền tảng cho sự phát triển xã hội, trước hết phải bảo đảm tính trung thực trong giáo dục, điểm số đúng với thực lực của người học mới có công bằng thật”.

Bạn đọc Hiểu Minh bàn luận thêm: “Bắt đầu từ học thật, điểm thật thì sẽ lại có những ý kiến bắt đầu từ học cái gì, học làm sao, học để làm gì… Vậy nên, căn nguyên là phải bắt đầu lại từ triết lý giáo dục, sau đó là kế hoạch cải cách bài bản”.

Bạn đọc Lê Phổ viết: “Muốn học thật điểm thật thì phải tạo điều kiện cho học sinh học một cách hứng thú. Khi các em học thiếu hứng thú lại còn điểm phải cao, vì áp lực duy trì khá giỏi hay vì các nguyên nhân thành tích khác, thì tất sẽ sinh ra chuyện tìm cách này cách kia để đối phó”.

Bạn đọc Hương Cỏ có ý kiến: “Thầy cô có trách nhiệm và biện pháp dạy ở trường phải đảm bảo học trò của mình hiểu bài thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Biết là thật khó và vất vả, nhưng có như thế thì thầy cô mới hoàn thành được sứ mệnh của mình. Chứ học sinh đi học ở trường rồi phải về đi học thêm nữa mới hiểu bài thì phần nào có trách nhiệm thuộc về thầy cô”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : điểm số giáo dụcgiáo dục phổ thông

Các tin liên quan đến bài viết