Mới đây, trên mạng xã hội Facebook có sự việc một chủ tài khoản phát ngôn được cho là xúc phạm chủ tịch một ngân hàng. Ngay sau đó chủ tài khoản đã xóa bài và xin lỗi trên Facebook.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương thời gian tới tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh - Ảnh: M.ANH

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương thời gian tới tất cả chủ tài khoản mạng xã hội phải định danh 

Tuy nhiên chủ tịch ngân hàng không đồng ý và gửi đơn yêu cầu xử lý chủ tài khoản đến Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội.

Sự việc trên lần nữa lại khiến dư luận băn khoăn về văn hóa ứng xử trên mạng xã hội khi mới đây Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin về việc sửa đổi, bổ sung quy định về xác thực – định danh tài khoản mạng xã hội.

Tuổi Trẻ trao đổi với các chuyên gia liên quan về vấn đề tác động của văn hóa ứng xử trên mạng khi định danh tài khoản tham gia.

Không tùy tiện “cào” phím

TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh, trưởng bộ môn tội phạm học, Đại học Luật TP.HCM, cho rằng đời sống trên mạng là một phần tất yếu của đời sống xã hội hiện đại.

Thời gian qua, trên mạng xã hội đã chứng kiến nhiều hành vi ứng xử lệch chuẩn như: giải quyết mâu thuẫn, nói xấu, vu vạ, bôi nhọ, bắt nạt, tấn công nhau…

Những người chủ tài khoản mạng xã hội có thể chính danh hoặc không chính danh nhưng hành vi nói xấu, bôi nhọ vẫn gây ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ cho cá nhân, tổ chức bị nhắc đến.

Đó là chưa kể các KOL, những người nổi tiếng dùng mạng xã hội mà có ứng xử lệch chuẩn thì gây thiệt hại lớn hơn, cho nhiều đối tượng hơn.

Vì vậy, việc định danh tài khoản mạng xã hội có ý nghĩa, hợp lý trong việc tác động đến tâm lý của người sử dụng mạng.

Họ sẽ chấm dứt tâm lý chủ quan rằng mạng xã hội chỉ là ảo, thay vào đó tiết chế hơn trước khi đặt tay lên bàn phím để phát ngôn, nói xấu, tung tin thất thiệt, tấn công… cá nhân, tổ chức khác.

Người dùng mạng cũng sẽ cân nhắc khi chia sẻ, truyền đưa các thông tin, hình ảnh thiếu kiểm chứng, sai trái, vi phạm đạo đức, tiêu chuẩn chung. Từ đó việc định danh tài khoản mạng sẽ hạn chế các ứng xử lệch chuẩn trên mạng và lâu dần hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử.

Tuy nhiên, theo TS Bảo Khánh, chính sách định danh người dùng mạng không hẳn sẽ được nhiều người dân hay nhà mạng đồng thuận.

Thanh lọc người dùng mạng

Việc định danh tài khoản mạng sẽ khiến người dùng có trách nhiệm hơn và lâu dài sẽ tạo ra cộng đồng mạng, xã hội mạng lành mạnh cũng là nhận định của ông Trần Hữu Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ an toàn thông tin TP.HCM (HISSC).

Một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam đã có các tiêu chuẩn cộng đồng để kiểm soát nội dung đăng tải. Hoặc nhà mạng cũng có yêu cầu người tham gia phải đáp ứng yêu cầu “chính chủ” tối thiểu như người tham gia phải để tên thật, cung cấp thông tin số điện thoại, email…

Có thể nói mạng xã hội đã tạo ra môi trường tương tác để người dân tự do giải trí, bày tỏ, giao lưu, kết nối, phục vụ kinh doanh, thương mại trên mạng…

Tuy nhiên nhiều người dân, tổ chức đã bị thiệt hại, ảnh hưởng vì các tin đồn, tin giả, lừa đảo, tội phạm công nghệ, thông tin chống phá Nhà nước, vi phạm thuần phong mỹ tục. Cơ quan quản lý nhà nước đã rất vất vả sử dụng các biện pháp ngăn ngừa, xử lý.

Vì vậy việc người dùng mạng phải “chính chủ” là cần thiết. Khi định danh tài khoản mạng xã hội cũng sẽ thanh lọc bớt các mục đích tham gia mạng xã hội nhằm ý đồ xấu, lừa đảo, bất minh…

Nhưng về phía người dân không phải ai cũng thích việc này. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền tạo sự đồng thuận xã hội.

Theo ông Dũng, quy định xác thực “chính chủ” người dùng mạng sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để người dùng mạng, nhà mạng phải tuân thủ.

“Từ khi thực hiện Luật An ninh mạng chúng ta vẫn chưa ràng buộc các nhà mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam, cũng như quản lý cơ sở dữ liệu người dùng cũng khó khả thi.

Nhưng chắc chắn khi có hành lang pháp lý thì về lâu dài chúng ta sẽ có biện pháp quản lý phù hợp và buộc các nhà mạng quốc tế phải tuân thủ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng nên tính đến việc xác thực – định danh tài khoản mạng xã hội sao cho đơn giản, thuận tiện, bảo mật”, ông Dũng phân tích.

Xúc phạm trên mạng bị xử lý ra sao?

Khi một cá nhân/tổ chức bị xúc phạm uy tín, danh dự trên mạng xã hội thì có thể gửi đơn yêu cầu đến cơ quan thanh tra sở thông tin và truyền thông hoặc cơ quan công an để xem xét, xử lý.Tùy theo mức độ, tính chất xúc phạm mà người xúc phạm sẽ bị xem xét xử lý. Người bị xúc phạm cũng có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án buộc người xúc phạm chấm dứt hành vi, xin lỗi, bồi thường.Tuy nhiên, thực tiễn xử lý hành vi xúc phạm trên mạng thời gian qua gặp khó do tính chính danh.”Thông thường người yêu cầu xử lý tài khoản xúc phạm trên mạng chỉ cung cấp được cho cơ quan thanh tra về tên tài khoản, tên chủ tài khoản, nội dung xúc phạm. Cơ quan thanh tra phải xác minh chủ tài khoản là ai, ở đâu, chủ tài khoản có phải chính là người đưa thông tin xúc phạm lên mạng hay không…Vì vậy, yêu cầu định danh tài khoản mạng sẽ cần thiết cho cơ quan chức năng xác định chủ tài khoản”, một cán bộ thanh tra về lĩnh vực thông tin và truyền thông nói.

* HIẾU PC (chuyên gia an toàn thông tin ChongLuaDao.vn):

Người dùng đã bị “định danh” theo cách của các nền tảng online

Cá nhân tôi cho rằng vấn đề định danh điện tử sẽ rất khó để thực hiện.

Hiện nhiều nền tảng không phải do Nhà nước quản lý, như Facebook hay Instagram, và nếu có thực hiện được cũng sẽ phát sinh một số vấn đề sau: tốn kém nhiều thời gian và đàm phán hợp tác với các nền tảng mạng xã hội; tốn kém tiền bạc để thực hiện việc eKYC (tạm hiểu: hình thức định danh và xác thực khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ) hết các tài khoản mạng xã hội từ Việt Nam cho đến nước ngoài…

Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, từ yếu tố pháp lý trong thu thập thông tin dữ liệu, tuân thủ pháp lý trong và ngoài nước sẽ nảy ra nhiều tranh cãi.

Chưa kể việc quá nhiều bên liên quan và không ai muốn trách nhiệm chính thuộc về mình thì sẽ là “nút thắt” khó gỡ, vì điều này liên quan đến nền tảng mạng xã hội hay OTT (thuật ngữ để chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người dùng thông qua Internet), bộ phận quản lý định danh xác thực.

Tất nhiên, việc định danh eKYC sẽ góp phần rất nhiều cho cơ quan chức năng trong việc truy vết tội phạm, ngăn chặn tin xấu độc… Nhưng việc kiểm soát phải nói sẽ rất khó nếu nền tảng đó không chịu hợp tác hoặc hợp tác nửa vời…

Thực tế hầu hết các nền tảng online chúng ta đang sử dụng đều thu thập dữ liệu người dùng. Nói như vậy để thấy chúng ta đã bị định danh theo một định nghĩa khác nhau của Google, Facebook, TikTok…

Những thông tin nhạy cảm như địa chỉ nhà, địa chỉ IP, số điện thoại, các hành vi của người dùng… đã là một phần của định danh phổ biến nhất để “theo dõi” người dùng, sau đó dành cho mục đích quảng cáo, phát triển sản phẩm nền tảng của họ và nhiều mục đích khác.

Để giúp một nét văn hóa nào đó lành mạnh hơn, theo tôi, phần lớn phụ thuộc nhiều vào ý thức của người trong cuộc. Còn việc định danh các tài khoản mạng xã hội, OTT sẽ khiến người dùng vừa tuân thủ pháp luật hơn nhưng cũng cảm thấy bức bí hơn.

* Tiến sĩ Võ Trung Âu (viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp):

Cần thực hiện song song các giải pháp bổ sung

Nếu xét về mặt tích cực của việc định danh trên mạng xã hội, chúng ta có thể thấy điều này giúp giải quyết các vấn đề như quấy rối trực tuyến, bắt nạt trên mạng…, góp phần tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn.

Với việc định danh trên mạng xã hội, các công ty truyền thông xã hội cũng có thể xác minh tốt hơn tính chính xác và xác thực của nội dung do người dùng tạo, điều này giúp ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.

Tuy nhiên, việc định danh có thể khiến một số người dùng không thấy thoải mái khi chia sẻ thông tin cá nhân và yêu cầu nhận dạng có thể ngăn họ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hoàn toàn.

Ngoài ra, còn có rủi ro là tin tặc và tội phạm mạng dễ lấy được thông tin cá nhân của người dùng hơn.

Việc định danh trên mạng xã hội có thể giúp xây dựng một môi trường văn hóa mạng lành mạnh hơn, nhưng đây chỉ là một phần của giải pháp. Ngoài việc định danh, cần có những giải pháp bổ sung để đảm bảo môi trường mạng lành mạnh.

Các giải pháp bổ sung có thể gồm tăng cường kiểm soát và giám sát nội dung trên mạng xã hội để ngăn chặn các hành vi xâm hại, phân biệt giữa tự do ngôn luận và việc phát tán thông tin sai lệch, cải thiện năng lực xử lý phản hồi và khiếu nại của các nền tảng mạng xã hội, đồng thời tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dùng về trách nhiệm/hành vi trên mạng.

Đồng thời, chúng ta cần phải xem xét các hệ thống đánh giá hiệu quả và các biện pháp trừng phạt đối với các hành vi vi phạm trên mạng để đảm bảo việc tuân thủ các quy định và luật lệ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Chính danh trên mạngđịnh danh tài khoản

Các tin liên quan đến bài viết