Sáng 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 để đánh giá tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thủ tướng yêu cầu phải nhận diện đúng tình hình, những vấn đề đặt ra đối với từng ngành, từng lĩnh vực trên các mặt và phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để tìm cách khắc phục, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.

Phát biểu mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc triển khai các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ trên địa bàn cả nước cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Thủ tướng nhìn nhận một xu hướng tích cực về phát triển kinh tế xã hội của đất nước đã được thể hiện qua những chỉ số. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tín dụng tăng mạnh. Sự chỉ đạo, quản lý, điều hành các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu đem lại kết quả tốt; đặc biệt lãi suất giảm 0,5%, giúp giảm chi phí đầu vào của doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, gần 19%. Thu ngân sách đạt khá, trên 53 tỉnh, thành trong cả nước đã vượt thu so với cùng kỳ. Thủ tướng tin tưởng với quyết tâm cao, chắc chắn số thu ngân sách 2017 sẽ đạt chỉ tiêu đề ra. Giải ngân tháng 7 tăng 1,8 lần, có sự chuyển biến tốt. Thu hút đầu tư tăng mạnh nhất là khối FDI. Cả nước 7 tháng vừa qua có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước kết quả triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục y tế, giảm nghèo. Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển Đại học, Cao đẳng diễn ra tốt. Đặc biệt, các đoàn Việt Nam thi quốc tế các môn toán, lý, hóa, sinh đạt kết quả xuất sắc với nhiều huy chương vàng.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, hàng loạt vụ án, vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đang khẩn trương được xử lý, đặc biệt là vụ Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê và một số vụ việc khác.

Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận và kỷ luật một số trường hợp sai phạm; tạo ra không khí phòng, chống tham nhũng quyết liệt trong toàn hệ thống.

Đề cập đến những bất cập, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ rõ công nghiệp chế tạo tăng nhưng khai khoáng vẫn giảm sâu. Một số địa phương mà sản xuất công nghiệp chủ lực không có khai khoáng nhưng vẫn tăng thấp hơn bình quân cả nước nhất là Hà Nội, Vĩnh Phúc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cả nước có tới 43 ngàn doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng nông sản phục hồi tốt như vải, nhãn, thịt heo nhưng trong khi giá thịt heo tăng bất thường thì giá ớt, thanh long giảm mạnh. Chi phí vận tải, logistic còn cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hoạt động giải ngân tăng 1,8 lần nhưng chưa đạt yêu cầu, mới đạt 38,5% trong 7 tháng, vốn trái phiếu mới đạt 2,1% dự toán… mặc dù đây là kênh tăng trưởng quan trọng cần phải làm tốt. Nhập siêu còn cao trên 3 tỷ USD, chủ yếu từ Hàn Quốc với 19 tỷ USD, trong khi xuất siêu sang EU gần 15 tỷ USD. Nguyên nhân nhập siêu cao, theo Thủ tướng là do các dự án FDI có nhu cầu nhập thiết bị máy móc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng lo ngại trước tình trạng dịch sốt xuất huyết lần đầu tiên lan rộng trong nhiều năm gần đây với trên 60.000 người nhiễm, trong đó trên 50 ngàn người nhập viện và đặc biệt có tới 17 người tử vong.

Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông diễn ra nghiêm trọng, có vụ cháy làm chết 8 người tại Hà Nội. Thủ tướng hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Công an trực tiếp làm việc với Hà Nội về vấn đề này với tinh thần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ.

Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại trong hệ thống, nhất là cấp huyện, thị, xã, cấp cơ sở, còn chuyển biến chậm với tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà còn nhiều; thủ tục hành chính còn rườm rà; chưa ngăn chặn hết tiêu cực, kỷ cương phép nước chưa tốt, kỷ luật hành chính chưa nghiêm ở một số cán bộ công chức làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, gây khó khăn cho sản xuất.

 “Nhiều thông tin đến với Thủ tướng và các thành viên Chính phủ rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở các cấp, các ngành trong toàn hệ thống, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp,” Thủ tướng cho biết và hoan nghênh việc Hà Nội đình chỉ công tác để kiểm điểm Phó Chủ tịch Phường Văn Miếu. Những việc như vậy cần xử lý nghiêm trong toàn hệ thống.

 “Người ta nói các đồng chí cấp trên nói rất mạnh vấn đề này nhưng chuyển biến cả hệ thống để phục vụ nhân dân ở cơ sở còn rất nhiều vấn đề bất cập,” Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đề cập đến một số chủ trương triển khai chậm như việc chuyển 1 phần trong 5 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay sang mô hình doanh nghiệp để quản lý thu tốt hơn nhưng vẫn chưa được triển khai, chưa có cơ chế chuyển đổi phù hợp hoặc vấn đề cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước triển khai chậm ở nhiều bộ, ngành. Theo Kế hoạch, nhiệm vụ này phải đạt 65.000 tỷ đồng năm 2017 nhưng mới làm được trên 10.000 tỷ đồng; môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản…

Vai trò của Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh rất quan trọng trong điều hành, quản lý. Nếu Chính phủ nói chủ trương hay thông điệp chỉ đạo quyết liệt mà Bộ trưởng không chuyển biến, không làm “đến nơi, đến chốn” những công việc có liên quan hoặc chưa nắm kỹ công việc để xử lý thì khó thành công, Thủ tướng lưu ý.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần đi sâu hơn để thảo luận, tháo gỡ những nút thắt cần thiết, đề xuất các giải pháp cụ thể trong 6 tháng còn lại nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2017.

 “Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, ngành mình thì hãy nhóm lên,” Thủ tướng kêu gọi và đề nghị các bộ, ngành cần “hiến kế” để thực thi nghiêm chính sách pháp luật và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Gợi ý một số vấn đề như chi phí sản xuất kinh doanh, kho bãi còn cao; chi phí thủ tục hành chính cả thời gian và tiền bạc còn là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đi sâu thảo luận tại Phiên họp.

Ngoài ra còn một số vấn đề cần tập trung thảo luận như đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải ngân một số dự án kéo dài như đường sắt Cát Linh – Hà Đông…; các giải pháp ngăn chặn nạn chặt phá rừng; khai thác khoáng sản trái phép; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch sốt xuất huyết…

 “Các tư lệnh lĩnh vực phải có giải pháp để đảm bảo cho ngành mình, đơn vị mình đạt mục tiêu tăng trưởng,” Thủ tướng chỉ đạo.

Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng chủ trì buổi làm việc về xây dựng thể chế. Trong phiên họp buổi chiều, các thành viên Chính phủ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội của đất nước./.

 Nguồn TTXVN

Từ khóa : chống tham nhũngThủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Các tin liên quan đến bài viết