8 hiệp hội doanh nghiệp và ngành hàng cùng đề xuất nên tạo điều kiện cho người lao động nghỉ hưu sớm ở mức tuổi nam 60, nữ 55 khi đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên.
Trong văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan góp ý một số quy định tại Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Hiệp hội các doanh nghiệp đề xuất, bổ sung quy định tại Điều 106 trong Dự thảo theo hướng: người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng, với nữ từ đủ 55 tuổi, nam từ đủ 60 tuổi, khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm; mức lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH, mỗi năm nghỉ trước tuổi so với quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu.
Hiệp hội các doanh nghiệp kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu theo nguyện vọng.
Theo Hiệp hội, thực tế đa số người lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người tham gia BHXH từ sớm, có thời gian đóng BHXH lâu, mức đóng cao. Khi nữ tới 55 tuổi, nam 60 tuổi sức khoẻ giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
Nếu người lao động phải chờ đến đủ tuổi nghỉ hưu (nữ 60, nam 62) sẽ gặp khó trong việc đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép người lao động được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng tạo cơ hội việc làm cho người trẻ. Người lao động chọn phương án nghỉ hưu sớm sẽ bị trừ 2% mức hưởng lương hưu cho mỗi năm nghỉ trước tuổi.
Theo Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, điều kiện về tuổi nghỉ hưu căn cứ theo lộ trình tăng của Bộ Luật Lao động năm 2019. Cụ thể, nữ tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 tuổi lên 60 tuổi (mỗi năm thêm 4 tháng cho tới 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (mỗi năm thêm 3 tháng cho tới năm 2028).
Một chuyên gia lao động cho rằng, việc giảm tuổi hưu theo nguyện vọng đối với người lao động, nhất là với lao động chân tay thì cơ quan soạn thảo Luật BHXH sửa đổi cần nghiên cứu theo hướng phù hợp với thực tiễn.
Hiện nay có không ít người lao động đi làm từ năm 20 tuổi, đến khi 55 tuổi đã đủ thời gian hưởng lương hưu tối đa, nhưng để đủ tuổi nghỉ hưu phải chờ thêm thời gian quá dài. Trước đây nam tuổi hưu 60, nữ 55, nếu đóng 15 năm được hưởng 45% nay đổi đi đổi lại tuổi hưu, mức 62 cho nam và 60 cho nữ sẽ thiệt cho người lao động
“Lao động chân tay khi bước sang tuổi 55-60 đa số “mắt đã mờ, chân đã chậm” nên muốn nghỉ hưu thay vì tiếp tục đi làm. Do vậy việc quy định cho nghỉ hưu sớm nên được đánh giá cụ thể để phù hợp với sức khoẻ, nguyện vọng thiết thực của người lao động”, vị chuyên gia cho biết.
Về chế độ BHXH một lần, Hiệp hội các doanh nghiệp đề xuất cho người lao động sau 12 tháng không đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu (cho đến tuổi nghỉ hưu) và mức hưởng phải được ghi rõ tại thời điểm thanh toán bảo hiểm một lần để người lao động nắm bắt. Ban soạn thảo vẫn tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện dự thảo. Dự kiến dự thảo sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10 tới. |
Nguồn: vietnamnet