Tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp bắt, đánh trộm mà chủ nhà vướng lao lý. Vậy nếu có trộm đột nhập vào nhà thì người già đang ở nhà phải xử lý thế nào?
Phải làm gì khi trộm vào nhà?
Cha mẹ tôi ở quê bán tạp hóa. Vì nhà chỉ có cha mẹ tôi là người già, trong khi trộm cắp hiện nay rất manh động. Tôi đọc báo thấy nhiều trường hợp bắt, đánh trộm mà chủ nhà vướng lao lý. Tôi lo lắng cho cha mẹ mình ở quê, nếu có trộm vào nhà thì cha mẹ tôi phải hành xử thế nào?
Bạn đọc N.V.T. (Quảng Ngãi) gửi câu hỏi cho luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn như sau:
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh
Để tránh tình trạng tạo điều kiện cho trộm đột nhập vào nhà thì cha mẹ bạn cần phải cẩn thận cửa nẻo, nên tập trung các chìa khóa cửa, cổng một chỗ và đánh dấu nhiều màu sơn nổi bật trên từng cặp ổ – chìa khóa cụ thể phòng trường hợp khẩn cấp thao tác mở sẽ nhanh hơn.
Hạn chế để nhiều tài sản quý, có giá trị lớn trong nhà, nếu có nên để những nơi ít ai ngờ tới.
Hơn nữa, cần phải nâng cao cảnh giác và tăng cường an ninh cho nhà cửa của mình thông qua việc sử dụng các khóa an toàn, hệ thống cảnh báo, đèn chiếu sáng đêm, có thể lắp đặt camera giám sát.
Nếu có bất kỳ hoạt động nghi ngờ nào xảy ra, cha mẹ bạn nên liên hệ với công an địa phương để kịp thời xử lý.
Khi phát hiện có người lạ đột nhập vào nhà, chúng ta chưa thể khẳng định ngay đó là trộm mà cần phải kiểm tra xác minh xem người ta có vào nhầm nhà hay không, có phải là khách hay không.
Cần phải làm rõ đó là ai, có nhiều thông tin thì mới có thể kết luận đó là người ngay hay kẻ gian.
Cần chú ý, kẻ gian thường rất sợ bị phát hiện, khi bị phát hiện thì phản xạ đầu tiên là bỏ chạy. Nếu không bỏ chạy được thì sẽ tấn công, các đối tượng đột nhập hiện nay thường mang theo hung khí nguy hiểm.
Nếu bị bắt giữ thì có thể tấn công trở lại. Nên xử lý tình huống với kẻ gian đột nhập phải hết sức thận trọng, trên nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và người khác, thu thập càng nhiều dấu vết, thông tin của đối tượng để bắt giữ hoặc để cơ quan chức năng truy xét.
Hiện nay, pháp luật quy định rất rõ về các trường hợp được phòng vệ, tự vệ, bắt người phạm tội quả tang, trong đó có trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ tội phạm.
Chúng ta cần tìm hiểu các quy định của pháp luật để biết giới hạn mà pháp luật cho phép công dân được sử dụng vũ lực để chống trả lại các hành vi vi phạm pháp luật hoặc bắt giữ các đối tượng phạm tội.
Nguồn: tuoitre.vn