Nhiều khu di tích đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan để tìm hiểu về cội nguồn lịch sử, giáo dục truyền thống văn hóa cho các bạn trẻ.

Cuối nghỉ lễ các di tích vẫn hút hàng nghìn lượt khách - Ảnh 1.

Khu di tích đền thờ vua Đinh, vua Lê tại Ninh Bình rất đông khách tham quan 

Ninh Bình là một trong những địa điểm có nhiều địa danh lịch sử với cố đô Hoa Lư, đền thờ vua Đinh, vua Lê… Do thời gian đi lại chỉ mất gần 2 giờ đồng hồ từ Hà Nội đến Ninh Bình, nên nhiều gia đình đã lựa chọn nơi đây là địa điểm du lịch kết hợp nghỉ dưỡng.

Đi từ Hà Nội vào Ninh Bình, gia đình anh Thắng (Tây Hồ – Hà Nội) lựa chọn khu danh lam thắng cảnh Tràng An để du lịch. Đúng vào dịp tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1.055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt và khai mạc Lễ hội Hoa Lư năm 2023, gia đình anh đã đến tham quan các khu di tích, nơi ghi dấu các triều đại trong lịch sử dân tộc là Đinh và Tiền Lê, Lý.

Cuối nghỉ lễ các di tích vẫn hút hàng nghìn lượt khách - Ảnh 2.

Du khách trực tiếp xem một nghi lễ được tái hiện tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng

Mặc dù đi tham quan các khu di tích vào những ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, nhưng lượng khách đến các điểm du lịch vẫn rất đông. Anh Thắng cho biết các con anh đang học cấp 2, nên việc giáo dục truyền thống, văn hóa lịch sử dân tộc rất được coi trọng. Vì vậy, mỗi khi đi du lịch, nghỉ dưỡng anh sẽ cho con đến các khu di tích để tìm hiểu thêm về lịch sử.

“Kinh đô Hoa Lư là nơi ghi dấu những triều đại lịch sử lớn của dân tộc, vẫn còn nhiều vết tích ngày xưa là những tường thành, nền móng cung điện và các cổ vật. Cùng với các hoạt động lễ hội xưa được phục dựng, tái hiện lại, chúng tôi muốn cho các con được trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc” – anh Thắng chia sẻ.

Cuối nghỉ lễ các di tích vẫn hút hàng nghìn lượt khách - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức tại Lễ hội Hoa Lư thu hút đông đảo du khách

Lễ hội Hoa Lư 2023 được khởi động từ ngày 28-4 với rất nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa, song mỗi ngày đều có hàng vạn lượt khách đến tham quan các khu di tích.

Em Quốc Toản – học sinh lớp 4 tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Thanh Xuân – Hà Nội) – cho biết rất hào hứng với không gian văn hóa lễ hội tại đây. Đặc biệt ấn tượng với câu chuyện “Cậu bé cờ lau”, qua tranh ảnh, thuyết minh và trực tiếp đến các khu đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành, em phần nào hiểu được lịch sử hào hùng của dân tộc.

Cuối nghỉ lễ các di tích vẫn hút hàng nghìn lượt khách - Ảnh 4.

Du khách tham quan Thành nhà Hồ tại Vĩnh Lộc – Thanh Hóa

Trong khi đó, gia đình chị Hương (Ba Đình – Thanh Hóa) cho biết dịp nghỉ lễ dài ngày nên đã lựa chọn nghỉ dưỡng tại một số điểm du lịch văn hóa, tâm linh ở Thanh Hóa. Trong đó, đền bà Triệu và Thành nhà Hồ là những điểm đến trên hành trình tìm hiểu văn hóa, du lịch tâm linh của gia đình.

“Tôi rất ấn tượng khi đến tham quan những dãy thành quách còn in đậm dấu ấn lịch sử tại Thành nhà Hồ. Đây là khu di tích nổi tiếng, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Do vậy, tôi muốn các con được trực tiếp trải nghiệm, để giáo dục cho các con về truyền thống ngàn năm dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc” – chị Hương chia sẻ.

Cuối nghỉ lễ các di tích vẫn hút hàng nghìn lượt khách - Ảnh 5.

Du khách trực tiếp trải nghiệm tòa thành kiến trúc đá “độc nhất vô nhị” tồn tại hơn 600 năm nay

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Bá Linh, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, cho hay trong 5 ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5 vừa qua, khu di tích đã đón gần 12.000 lượt khách đến tham quan, tăng 120% so với ngày thường.

Để giới thiệu di sản văn hóa đến du khách trong dịp này, ông Linh cho hay ngoài chuyên đề trưng bày ngoài trời như hiện vật liên quan kiến trúc của kinh đô, trưng bày súng thần công và cải cách của triều đại nhà Hồ…, trung tâm còn đưa vào khai trương các tuyến du lịch mới như trải nghiệm di sản và làng cổ, tham quan tuyến tâm linh vùng đệm…

“Các sản phẩm du lịch mới được du khách hào hứng đón nhận, đặc biệt khi tham quan trải nghiệm các khu văn hóa tâm linh, sinh hoạt cộng đồng ở làng cổ. Tới đây, chúng tôi tiếp tục đưa ra nhiều sản phẩm, giới thiệu những dấu ấn cải cách của triều đại nhà Hồ, như việc ban hành tiền giấy, sử dụng chữ Nôm thay chữ Hán, đưa môn toán vào thi cử… để chuẩn bị đón khách du lịch dịp hè sắp tới” – ông Linh cho biết.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cố đô Hoa Lưdi tích lịch sử

Các tin liên quan đến bài viết