Cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa đón học sinh phải chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình, đảm bảo an toàn giao thông.

Xe đưa đón học sinh: Trường phải chịu trách nhiệm về an toàn - Ảnh 1.

Xe đưa đón học sinh của một trường tiểu học ở Hà Nội 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng vừa ký tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về dự án Luật Đường bộ.

Đây là dự án luật được tách từ Luật Giao thông đường bộ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (10-2020). Trong quá trình thảo luận, do còn nhiều ý kiến khác nhau, nên Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Đưa đón học sinh phải đảm bảo an toàn

Tại tờ trình, Chính phủ cho hay trên cơ sở tiếp thu các ý kiến, dự thảo luật đã chỉnh lý và hoàn thiện 3 nhóm chính sách, gồm: khung pháp lý về kết cấu hạ tầng giao thông, đường bộ; khung pháp lý với phương tiện giao thông đường bộ; khung pháp lý trong hoạt động vận tải đường bộ.

Trong đó, với quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô, dự thảo luật đã giải quyết được mối quan tâm của dư luận xã hội trong việc bảo vệ đối tượng yếu thế (trẻ em) tham gia giao thông.

Trong đó, dự thảo đưa ra quy định về phương tiện và người lái xe đưa đón học sinh phải đáp ứng những đặc thù như: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng.

Xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp, sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp. Lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm. Quy định trách nhiệm cơ sở giáo dục, đào tạo trong thực hiện đúng quy định an toàn đưa đón học sinh.

Dự thảo cũng quy định kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa.

Phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải không phải là hoạt động vận tải

Cơ quan thẩm tra cho rằng với các quy định trong dự thảo, loại hình xe công nghệ sẽ bị xếp vào loại hình hoạt động kinh doanh vận tải. Vì vậy đã đề nghị nghiên cứu, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể, công tác quản lý cho phù hợp thực tiễn.

Theo Chính phủ, ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, không phải là hoạt động kinh doanh vận tải.

“Chỉ trong trường hợp tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi thì sẽ xác định là kinh doanh vận tải”, Chính phủ nêu.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến, Chính phủ cho biết quá trình xây dựng luật sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có quy định cụ thể hơn.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông. Mục tiêu là giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.

Cùng với dự án Luật Đường bộ, Chính phủ cũng sẽ trình dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Chính phủ cho rằng dự án Luật Đường bộ đã được chỉnh lý, hoàn thiện. Vì vậy, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến đồng thời hai dự án luật tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023)

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Vận tải hành kháchxe công nghệ

Các tin liên quan đến bài viết