Hành tỏi dù là các loại gia vị khiến mồ hôi nặng mùi hơn nhưng nhiều người yêu thích hai loại gia vị này và coi đó là thứ không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày.
Hành, tỏi là yếu tố khiến mùi mồ hôi đậm đặc hơn
Vậy, người có mồ hôi nặng mùi có thể ăn hai loại gia vị này ở mức độ nào?
Tạo sao ăn hành, tỏi lại khiến mồ hôi nặng mùi hơn?
Theo bác sĩ Tạ Tùng Duy – Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cơ chế chính gây ra mùi cơ thể là do các vi khuẩn trên da chuyển hóa protein và đường trong mồ hôi tạo ra mùi khó chịu. Hành tỏi không phải là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi cơ thể nhưng là yếu tố khiến mùi mồ hôi đậm đặc hơn.
Hành và tỏi có chứa hợp chất lưu huỳnh hữu cơ dễ bay hơi và tinh dầu tạo ra mùi đặc trưng cho hành, tỏi. Nghiên cứu y học hiện đại xác nhận rằng tỏi có chứa hơn 100 thành phần dược phẩm với 43 hợp chất bay hơi có chứa lưu huỳnh, 13 hợp chất axit sunfuric.
Trong tỏi có Allicin tạo cho tỏi có mùi đặc trưng. Allicin cũng có tác dụng bảo vệ phần củ tỏi khỏi mầm bệnh và sâu bệnh.
Allicin có thể thấm qua màng tế bào hoặc đi vào trong máu và sau đó được bài tiết ra khỏi cơ thể thông tuyến mồ hôi apocrine ở vùng nách, vùng quanh sinh dục và vùng chân. Mùi này kết hợp với với mùi mồ hôi dầu do tuyến apocrine tiết ra làm cho mùi hôi nách nặng hơn.
Trong hành (củ hành tím) chứa nhiều chất S-oxit propanethion và allinase tạo thành mùi hắc nhẹ – mùi đặc trưng của các loại hành và được nhiều người ưa thích. Các chất này khi vào trong dạ dày sẽ gây phản ứng hóa học với dịch tiết tiêu hóa để giải phóng các gốc lưu huỳnh tự do.
Các thành phần còn lại được biến đổi thành hợp chất Allyl methyl sulphide – AMS (CH2=CHCH2SCH3). Chất này khi xuống đến ruột già sẽ nhanh chóng thấm một phần vào máu và lưu thông khắp cơ thể đồng thời bài tiết ra các đầu ống tuyến mồ hôi apocrine ở vùng nách, vùng kín và vùng chân gây mùi hơi nồng của lưu huỳnh.
Người có mồ hôi nặng mùi có thể ăn hành tỏi mỗi lần thế nào?
Bác sĩ Duy cho biết sau khi ăn, các chất trong hành tỏi không được lưu giữ lâu trong cơ thể. Mức độ mùi sẽ phụ thuộc vào số lượng hành, tỏi ăn trước đó. Nếu ăn hành, tỏi với số lượng nhỏ thì mùi sẽ ít hoặc không có. Nhưng nếu ăn hành, tỏi với số lượng lớn thì mùi có thể kéo dài 3-4 giờ sau khi ăn.
“Những người có mồ hôi nặng mùi cần hạn chế ăn hành tỏi, chỉ nên ăn 2-3 tép hành tỏi khô mỗi lần hoặc có thể sử dụng hành tỏi qua chế biến để tránh làm mùi cơ thể khó chịu hơn” – bác sĩ Tạ Tùng Duy cho biết.
Với những người có mồ hôi nặng mùi, nếu ăn các món với hành, tỏi đã qua chế biến có thể làm giảm bớt độ nồng của hành tỏi. Bởi trong một tép hành hoặc tỏi chỉ chứa acid amin có chứa lưu huỳnh không có mùi “alliin” và một enzyme gọi là “allinase”.
Khi tỏi được nghiền nát alliin tiếp xúc với allinase tạo thành allicin. Vì vậy nếu tỏi chưa băm nhuyễn mà đem đi nấu thì enzyme sẽ mất tác dụng và không thể tạo thành allicin. Nếu nấu ăn với tỏi băm nhuyễn, hàm lượng allicin được giữ lại còn khoảng 60%.
Lưu ý, khi ăn hành tỏi kết hợp với một số thực phẩm và gia vị có tính chất tạo mùi khác như: mắm, dấm, đồ uống có cồn, thực phẩm giàu đạm, mít, sầu riêng, thực phẩm nhiều dầu mỡ… có thể khiến hành giải phóng nhiều gốc lưu huỳnh hơn khi gặp dịch tiết của dạ dày và gây gia tăng mùi mồ hôi.
Nguồn: tuoitre.vn