Trong khi đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch cho rằng giá vé máy bay cao là ‘rào cản’ của du lịch Việt, thì đại diện cơ quan quản lý nhà nước và hãng hàng không lại không đồng quan điểm như vậy.
Ông Bùi Minh Đăng – phó trưởng phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) – phát biểu tham luận tại hội thảo
“Vấn đề đặt ra là tại sao ngành du lịch Việt Nam lại khó cạnh tranh so với các nước trong khu vực như hiện nay? Một trong các nguyên nhân đó là giá vé máy bay cao. Do đó cần thiết lập mặt bằng giá mới cho hàng không”.
Bà Phạm Thiên Trang – giám đốc chi nhánh Lux Group tại Nha Trang – đề nghị như trên tại hội thảo “Hợp tác hàng không – du lịch: Giải pháp thu hút khách quốc tế”.
Giá vé máy bay cao gây khó
Hội thảo nêu trên diễn ra ngày 25-4 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), do báo Văn Hóa phối hợp với Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức.
Trong tham luận của mình, bà Phạm Thiên Trang cho rằng Việt Nam cần tạo mọi điều kiện thuận lợi, giá cả hợp lý để thu hút khách du lịch tốt hơn.
Bà nói phải làm sao để du khách đến Việt Nam thấy vui vẻ, được “chiều chuộng”. Họ phải tận hưởng nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và sáng tạo, nhiều cảm xúc.
Buộc phải tăng giá…
Trao đổi lại, ông Bùi Minh Đăng – phó trưởng phòng vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) – cho rằng Cục Hàng không Việt Nam theo dõi rất sát tình hình của các hãng hàng không để có cơ sở quyết định tham mưu tăng số lượng chuyến bay cung ứng ra thị trường.
“Chúng tôi quản lý rất chặt chẽ việc bán vé của các hãng hàng không, đảm bảo vé máy bay nội địa không hề cao. Về nội địa hiện có 5 hãng hàng không và có sức cạnh tranh với các phân khúc thị trường rất rõ ràng” – ông Đăng khẳng định.
Theo ông Đăng, về thị trường quốc tế, giá vé cao hay thấp tùy thuộc vào nhu cầu. Hiện có 69 hãng hàng không khai thác đường bay đi và đến Việt Nam. Sự cạnh tranh giữa các thị trường quốc tế quyết định về mặt giá cả của hàng không, việc so sánh giá cao – thấp phải đặt trong bối cảnh nhu cầu người dùng theo từng thời điểm.
Liên quan đến vấn đề giá vé máy cao, ông Trương Trần Ngọc Hùng – phó ban tiếp thị sản phẩm Vietnam Airlines – cho rằng giá vé máy bay là sản phẩm bao gồm cả loại máy bay, giờ bay, hành trình bay, loại phục vụ bay… nên có sự khác nhau.
“Theo thống kê, mức giá bình quân bán ra trên thị trường năm 2022 chúng tôi có tăng 30-50% giá vé. Lỗ trong 2 năm COVID-19, chúng tôi cũng phải tìm cách để bù lỗ, cân đối chi phí xoay lại khoản nợ tương ứng để duy trì hoạt động. Dẫn tới là chuyện chúng tôi buộc tăng giá…” – ông Hùng lý giải.
Cũng tại hội thảo, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương, chuyên gia du lịch, kinh tế, doanh nghiệp du lịch, hàng không cùng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, vận chuyển… đã tham luận, nêu các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ phục hồi du lịch, gia tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nguồn: tuoitre.vn