“Những doanh nghiệp lớn không mua cá tra nữa, nếu có cũng chỉ mua giá 28.000 đồng/kg thôi. Còn những doanh nghiệp nhỏ lại đòi mua… thiếu”.
Nông dân huyện An Phú, An Giang bán cá tra cho thương lái
Hơn một tháng nay, giá cá thương phẩm ‘tuột dốc’ khiến người nuôi điêu đứng, vì càng nuôi càng thua lỗ nhưng cá tra bán không có người mua. Một số khác ‘bấm bụng’ nuôi cá cầm chừng chờ… giá lên.
Nhiều người nuôi cá cho biết trọng lượng cá trong ao đã lên tới gần 1kg/con nhưng vẫn chưa tìm được người mua. Trong khi giá cá giảm mạnh và khó tìm đầu ra, giá các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến giá thành bị đội lên.
Giá cá giảm mạnh vẫn khó bán
Ông Trần Quang Vinh (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết gia đình ông còn bốn hầm cá tra, có trọng lượng từ 0,8kg đến 1,2kg/con. Có một ao cá chuẩn bị bán nhưng giá cá tra còn quá thấp.
“Bây giờ bán cá chắc chắn là thua lỗ chứ không hy vọng có lời đâu. Hy vọng qua lễ 30-4, giá cá sẽ nhích lên. Người nuôi cá muốn có lời, giá cá tra phải trên 30.000 đồng/kg, còn dưới giá này chắc chắn lỗ do giá thức ăn cho cá liên tục tăng”, ông Vinh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Mửng (xã Bình Hưng, TP Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho biết ao cá tra đã gần 1kg/con, với tổng sản lượng gần 600 tấn cá nhưng chưa bán được.
Do đó, ông phải cho cá ăn cầm chừng, cách một hoặc hai ngày mới cho cá tra ăn để… chờ giá “nhích lên”, bởi có bán được cũng chỉ với giá 27.000-28.500 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 2.500-3.000 đồng/kg.
“Những doanh nghiệp lớn không mua cá nữa, nếu có cũng chỉ mua giá 28.000 đồng/kg thôi. Còn những doanh nghiệp nhỏ lại đòi mua… thiếu.
Ai bán cá giờ này chắc chắn thua lỗ rồi nhưng quan trọng là lỗ nhiều hay ít. Bây giờ, mỗi lần cho cá ăn phải tốn 140 triệu đồng cho bốn ao cá nhưng vay vốn lại gặp nhiều khó khăn”, ông Mửng nói.
Ông Trần Văn Tỉ (thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) cũng cho biết đang còn hai ao cá tra đạt trọng lượng khoảng 500 gam/con nhưng ông “rất mệt” vì giá cá tra đang lao dốc, bí đầu ra. “Doanh nghiệp không thu mua cá hoặc chỉ thu mua với giá thấp, vì nghe nói không có đơn hàng. Để giảm thua lỗ, chúng tôi phải cho cá ăn cầm chừng”, ông Tỉ nói.
Theo ông Nguyễn Văn Học (TP Long Xuyên, An Giang), với giá cá tra chỉ hơn 28.000 đồng/kg nhưng chi phí nuôi cá tra gần 30.000 đồng/kg/con, người nuôi cá cầm chắc thua lỗ. Theo ông Học, giá cá tra giảm nhưng các chi phí, thức ăn, tiền điện, nhân công đều tăng đã gây khó khăn cho người nuôi cá tra.
Nếu như cùng kỳ năm ngoái, giá thức ăn giảm, giá cá tra trên 29.000 đồng/kg. Nhưng năm nay ngược lại, giá cá giảm và khó tiêu thụ, trong khi các chi phí đều tăng. “Ở khu vực Châu Đốc này chưa thấy ai mua bán cá tra gì hết. Tui và mấy anh em nuôi cá tra đã bàn bạc, sau vụ này chắc treo ao luôn”, ông Học nói.
Thiếu đơn hàng xuất khẩu, càng nuôi càng lỗ
Trao đối với Tuổi Trẻ, ông Dương Nghĩa Quốc – chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam – cho biết do khủng hoảng kinh tế nên sức mua tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu… đã giảm rất mạnh, hơn 50%.
“Chỉ còn lại thị trường Trung Quốc vẫn còn nhập khẩu nhưng số lượng rất ít. Dự báo quý 3, quý 4 tới, ngành hàng cá tra mới có thể phục hồi”, ông Quốc nói.
Lãnh đạo Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cá Biển Hồ (An Giang) cũng thừa nhận hơn một tháng nay, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh nên các doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này. Đơn vị chỉ xuất khẩu khoảng hơn 500 tấn/tháng, so với cùng kỳ giảm hơn 50%.
“Chúng tôi mua cá cho bà con cũng phải chịu thua lỗ hơn 1.000-2.000 đồng/kg. Xuất khẩu cá tra là phải chấp nhận thua lỗ dây chuyền chứ không chỉ riêng người nuôi cá. Tôi đã thử “quay đầu” vào thị trường nội địa nhưng không được, do lượng hàng xuất khẩu hàng triệu tấn là quá lớn. Đề nghị Chính phủ giảm thuế các mặt hàng liên quan đến thức ăn thủy sản giúp người nuôi giảm chi phí”, vị này nói.
Một lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) thuộc Tập đoàn Sao Mai cho hay các doanh nghiệp ngành hàng cá tra đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng xuất khẩu, phải giảm công suất hoạt động từ 20-50%.
Các doanh nghiệp không xuất khẩu được nên không thu mua cá, vì vậy cá ứ lại rất nhiều. Thêm vào đó, giá thức ăn đã tăng 300-500 đồng/kg từ ngày 1-4 dẫn đến chi phí sản xuất của người dân tăng theo.
“Chúng tôi đang chỉ xuất khẩu khoảng 120-180 container/tháng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Thiếu đơn hàng xuất khẩu nên không xuất được mà phải nuôi cá tra với giá thức ăn cao khiến người nuôi gặp thêm nhiều khó khăn. Tuy vậy, chúng tôi cũng chủ động nguyên liệu sẵn sàng, nếu có đơn hàng lúc nào cũng đáp ứng kịp thời thị trường”, vị này nói.
Theo ông Trần Anh Dũng – chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra có kích cỡ lớn nhưng gần đây đã giảm nhu cầu rất nhiều nên các doanh nghiệp không có đơn hàng xuất khẩu cá tra.
“Nếu neo ao cá chờ giá lên, người nuôi càng thua lỗ nặng. Chỉ còn hy vọng vào thị trường Campuchia trong đợt SEA Games này sẽ tiêu thụ sản phẩm cá tra Việt Nam nhiều hơn”, ông Dũng nói.
Thị trường nội địa cũng gặp khó
Ông Võ Bé Hiền – chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Đồng Tháp – cho hay giá cá tra giống tương đối cao nhưng lại hao hụt mạnh, còn giá cá tra thương phẩm giảm mạnh. “Bây giờ ai bán cá tra nhiều sẽ thua lỗ nhiều, bán ít sẽ thua lỗ ít”, ông Bé Hiền nói.
Theo ông Trần Anh Dũng, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang tập trung vào thị trường nội địa nhưng số lượng không đáng kể. Cụ thể, Tập đoàn Nam Việt cố gắng đưa vào thị trường nội địa 15% về các sản phẩm giá trị gia tăng từ thịt cá tra.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay chỉ đạt được khoảng 7%, do người dân không có nhu cầu. Thêm vào đó, các sản phẩm trong thị trường nội địa chưa đa dạng.
Để hỗ trợ ngành cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự sản xuất thức ăn trong nước phục vụ ngành hàng cá tra hoặc giảm thuế khi nhập khẩu các loại thức ăn cho cá tra để người nuôi giảm chi phí. Hoặc nghiên cứu tìm cách nào để tích trữ thức ăn hay nguyên liệu với giá rẻ để phục vụ ngành hàng.
Nguồn: tuoitre.vn