Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su… nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31-12-2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này.
Tây Nguyên vẫn đứng trước áp lực phá rừng làm nương rẫy. Từ năm 2020 đến nay, có hàng chục ngàn ha rừng bị đốn hạ không phải để lấy gỗmà để chiếm đất
Nghị viện châu Âu vừa thông qua dự luật cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng. Đạo luật mới này nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng được nhập khẩu vào EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.
Các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng quy định mới này sẽ tạo ra những thách thức nhất định nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần.
Tăng cường truy xuất nguồn gốc gỗ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Sĩ Hoài – phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam – cho biết văn phòng hiệp hội đã thông báo cho các doanh nghiệp biết việc EU quy định sản phẩm xuất khẩu vào EU không liên quan đến việc gây mất rừng và suy thoái rừng sau ngày 31-12-2020.
Cụ thể, toàn bộ những sản phẩm hàng hóa (trong đó có các sản phẩm chính là thịt bò, gỗ, đậu tương, cà phê, ca cao) được sản xuất trên đất rừng bị chuyển đổi thành đất để sản xuất ra các sản phẩm này sau ngày 31-12-2020 thì không được nhập khẩu vào EU.
Như vậy gỗ, bao gồm các sản phẩm nội, ngoại thất hoặc các loại ván công nghiệp, các sản phẩm khác nữa cũng là một mặt hàng bị điều tiết bởi quy định này.
Theo ông Hoài, khi chưa có quy định mới nói trên, từ năm 2018 Việt Nam và EU đã ký kết hiệp định đối tác tự nguyện để tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).
Năm 2021 Chính phủ Việt Nam đã ban hành nghị định 102 để quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.
“Đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU, chúng tôi cho rằng sẽ không chịu tác động nhiều vì ở Việt Nam hiện nay không còn tình trạng chuyển đổi đất rừng tự nhiên. Việt Nam đã cấm khai thác rừng tự nhiên từ năm 2016 và Luật Lâm nghiệp cũng quy định khá chặt chẽ.
Do đó, hiện nay hầu như không có tình trạng chuyển đổi đất rừng, kể cả hợp pháp và bất hợp pháp, sang mục tiêu trồng rừng mới. Có thể đây đó, có chỗ nào chuyển đổi đất rừng sang làm công trình, làm đường sá, làm nhà máy thủy điện… nhưng chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng để tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang EU thì không có” – ông Hoài nói.
Tuy nhiên theo phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản, với quy định mới của EU thì các doanh nghiệp ngành gỗ sẽ có thêm nhiều việc phải làm.
Cụ thể, doanh nghiệp phải tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và phải truy xuất nguyên liệu gỗ mà mình sử dụng.
“Trong 10 năm gần đây Việt Nam tăng cường thực thi pháp luật dân sự, đặc biệt là việc chuyển đổi rừng sang các mục đích trồng các loại cây công nghiệp, kể cả trồng rừng thương mại nên hầu như không có, những vi phạm lâm luật rất nhỏ, số vụ ít mà diện tích cũng rất nhỏ.
Trong quá khứ Tây Nguyên có chuyển đổi rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su, cà phê hay một số cây công nghiệp, việc chuyển đổi được Chính phủ cho phép và hợp pháp.
Nhưng những năm gần đây, luật pháp Việt Nam đã xây dựng chặt chẽ, không có tình trạng chuyển đổi một cách hợp pháp. Còn những trường hợp chuyển đổi bất hợp pháp thì không có sản phẩm gỗ xuất sang EU” – ông Hoài chia sẻ.
Theo ông Hoài, đạo luật mới của EU muốn dùng động lực thị trường nhằm thúc đẩy cơ quan công quyền và người dân, doanh nghiệp các nước có trách nhiệm hơn để góp phần làm giảm mất rừng và suy thoái rừng.
“Dù đang chờ hướng dẫn cụ thể nhưng hiệp hội đã đánh động các doanh nghiệp chuẩn bị để sẵn sàng thích ứng, đặc biệt chuẩn bị việc chứng minh nguồn gốc gỗ lấy từ đất mà trước 31-12-2020 đã là rừng trồng” – ông Hoài nói và cho biết tới đây hiệp hội sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT để phổ biến sâu hơn tới các doanh nghiệp.
Các vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu, cao su tại Tây Nguyên đều có nguồn gốc từ đất rừng, tuy nhiên phần lớn nằm ngoài “danh sách cấm” của châu Âu vì hình thành từ lâu, trước năm 2020
Cơ hội để gia tăng giá trị cho cà phê
Trong khi đó, ông Trịnh Đức Minh – chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột – cho rằng đạo luật mới của EU không tác động nhiều đến ngành cà phê bởi chỉ hạn chế việc phá rừng sau 31-12-2020 để trồng cà phê.
Theo ông Minh, cà phê ở khu vực Tây Nguyên hầu hết được trồng từ cách đây 20-30 năm. Do đó, nếu có tác động thì chỉ chịu tác động về thủ tục chứng minh nguồn gốc.
Tuy nhiên, cơ chế chứng minh như thế nào thì phía EU chưa thông tin cụ thể, do đó Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đề nghị cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần sớm làm việc với EU để nắm được các yêu cầu, thủ tục và hướng dẫn thực hiện.
Ông Bạch Thanh Tuấn, phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cũng cho biết với quy định mới của EU thì ngành cà phê – ca cao Việt Nam sẽ không chịu nhiều tác động, “vượt qua dễ dàng” và đây là cơ hội mới cho ngành cà phê – ca cao Việt Nam.
“Quy định mới này tạo ra thách thức đối với nhiều quốc gia nhưng với Việt Nam đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh, nền sản xuất của Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nếu trước đây bán sản phẩm cà phê thông thường thì hiện nay Việt Nam bán cà phê kèm theo chứng nhận giảm phát thải carbon” – ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết sắp tới Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam sẽ phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và EU để tiếp cận các thông tin, quy định mới của EU nhằm tạo một hành lang pháp lý thuận lợi. Hiệp hội sẽ cùng Bộ NN&PTNT và địa phương tổ chức hội nghị phổ biến, thông tin tới người sản xuất.
“Hiện nay cà phê Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của EU nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu người sản xuất không nắm được quy định này để tránh vi phạm trong tương lai. Người sản xuất phải có trách nhiệm với quốc gia của mình chứ không chỉ nghĩ tới lợi nhuận” – ông Tuấn nói thêm.
Phần lớn diện tích cà phê xuất khẩu vào EU đạt tiêu chuẩn
Theo ông Lê Đức Huy – tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu cà phê 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), quy định mới của châu Âu là ngăn nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc phá rừng từ sau 31-12-2020.Trong khi đó, phần lớn diện tích cà phê thuộc vùng nguyên liệu của Simexco nói riêng và của Tây Nguyên, Việt Nam nói chung đều hình thành từ vài chục năm nay.Không chỉ vậy, các diện tích cà phê đạt chứng nhận quốc tế được hình thành từ lâu, bà con nông dân được tập huấn kỹ về các kiến thức bảo đảm an toàn chất lượng, truy xuất nguồn gốc.”Nói chung, hàng hóa, nông sản Việt Nam vào thị trường châu Âu vướng rất nhiều quy định. Việc chặn hàng hóa có nguồn gốc từ đất phá rừng cũng là một trong những yêu cầu khắt khe để đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa nơi sản xuất.Tuy nhiên đối với mặt hàng cà phê, thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là châu Âu. Điều cần thiết là tuyên truyền cho bà con hạn chế phá rừng làm nương rẫy, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong chăm sóc cây trồng”, ông Huy nói.
Khi nào bắt đầu áp dụng?
Ông Rui Ludovino – tham tán thứ nhất các chính sách về khí hậu, môi trường, việc làm và các vấn đề xã hội thuộc phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam – cho biết đạo luật mới dự kiến sẽ được công bố áp dụng trong tháng 5 hoặc tháng 6-2023 và có hiệu lực sau 18 tháng (tức cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025). Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được trì hoãn thêm 6 tháng sau thời hạn này.Theo ông Rui Ludovino, Việt Nam đang thực hiện hiệp định VPA/FLEGT cho ngành gỗ, trong quy định này có vấn đề về mặt pháp lý và bền vững. Hiệp định VPA/FLEGT là điểm mạnh của Việt Nam và cho phép Việt Nam có quy trình quản trị về rừng.Cơ sở này sẽ được sử dụng trong quá trình kinh doanh gỗ và các sản phẩm gỗ. Ngành gỗ là ví dụ điển hình cho các ngành khác noi theo trong thời gian sắp tới như cà phê, ca cao, cao su…”Mỗi ngành đều có những tác động, ảnh hưởng nhất định tùy theo hệ thống tra soát chuỗi cung ứng của mỗi quốc gia. Chúng ta phải làm sao có hệ thống theo dõi để đảm bảo rằng các sản phẩm không dính dáng đến việc mất rừng ở tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng” – ông Rui Ludovino nói và cho biết EU sẽ ban hành một số hướng dẫn, nhưng các quốc gia cũng phải chuẩn bị để kiểm soát trong chuỗi cung ứng của mình.Việt Nam là quốc gia không có nguy cơ quá cao về mất rừng nhờ các chính sách bảo vệ rừng. Nhưng Việt Nam cần tăng cường hơn nữa trong chuỗi cung ứng để sản phẩm nông sản Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU.
Không được chủ quan
Phơi hạt điều thô tại tỉnh Bình Phước
Mặc dù nói quy định của châu Âu không ảnh hưởng nhiều nhưng đại diện các ngành hàng xuất khẩu vẫn lưu ý doanh nghiệp không được chủ quan để tránh mất thị trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tiêu hàng đầu tại Việt Nam cho biết hiện châu Âu đang chiếm khoảng 18-20% tổng lượng tiêu xuất khẩu hằng năm 220.000 – 230.000 tấn của Việt Nam.
Do đó, nếu chính sách này áp dụng thì ít nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu của ngành hồ tiêu.
“Khoảng 4-5 năm nay, không còn tình trạng phá rừng trồng hồ tiêu. Nhưng trước năm 2015, khi giá tiêu còn tốt, có không ít nơi chọn phá rừng để phát triển hồ tiêu. Do đó, nếu châu Âu “truy quá khứ” để áp dụng quy định này thì Việt Nam sẽ vướng. Bằng phép tính sản lượng, năng suất, diện tích…, châu Âu sẽ có cách làm khó được chúng ta nếu doanh nghiệp không có sự chuẩn bị”, vị này nhận định.
Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu tại Bình Dương cho rằng thời điểm này không quá lo, nhưng nếu châu Âu và nhiều thị trường khác lần lượt áp dụng quy định “chống phá rừng” này, thậm chí áp dụng một cách triệt để cho cả sản phẩm hồ tiêu được chế biến dùng trong thực phẩm thì nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sẽ gặp khó.
“Nếu doanh nghiệp xuất khẩu phở, mì tôm sang châu Âu bị thị trường này yêu cầu gói tiêu gia vị phải đảm bảo yếu tố nhập từ vùng không phá rừng để trồng thì không chỉ mặt hàng tiêu đơn thuần, mà nhiều mặt hàng liên quan khác cũng bị vạ lây”.
Ông Nguyễn Nam Hải, chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho rằng nhiều năm qua diện tích cà phê Việt Nam ổn định từ 650.000 – 700.000ha, và từ 2014 Thủ tướng đã yêu cầu “đóng cửa rừng” nên việc phá rừng trồng mới khả năng không nhiều, đặc biệt từ 2019 trở lại đây.
Tuy nhiên, khó khăn cho các doanh nghiệp là không ít nếu chúng ta chủ quan. Theo ông Hải, châu Âu đang chiếm khoảng 45% trong tổng lượng trên dưới 1,6 – 1,7 triệu tấn cà phê Việt Nam xuất khẩu mỗi năm.
Do đó, nếu bị siết chặt, ảnh hưởng là không nhỏ. “Rất cần có những thông tin cụ thể từ châu Âu, mốc thời gian áp dụng, sản phẩm cụ thể thuộc diện phải áp dụng… để doanh nghiệp chuẩn bị.
Trường hợp cần thiết, chúng ta nên đề nghị châu Âu cho lùi thời gian áp dụng quy định này để các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn”, ông Hải kiến nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Họa – phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam – cho rằng ngành điều Việt Nam khả năng không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định này do diện tích điều nhiều năm qua luôn ổn định, không phát sinh diện tích mới từ việc phá rừng.
Tuy nhiên theo ông Họa, cái lo là lượng điều thô Việt Nam nhập từ Campuchia và châu Phi khá nhiều. Do đó, nếu các nước này cũng vướng phải quy định “chống phá rừng” thì ít nhiều việc xuất khẩu điều Việt Nam vào châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, hiện không chỉ hạt điều mà hồ tiêu, cà phê Việt Nam cũng được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và khu vực như Brazil, Ấn Độ, châu Phi… nên tác động đến cả ngành nông nghiệp là khá lớn.
Đặc biệt, với chính sách phát triển cao su trong nhiều năm qua ở các tỉnh miền núi, không ít diện tích rừng nghèo bị phá để trồng cao su. Do đó, khả năng gặp khó nhất sẽ là sản phẩm cao su nếu châu Âu áp dụng nghiêm quy định này.
“Sau châu Âu, có thể sẽ đến Mỹ, Nhật, Hàn… thậm chí Trung Quốc áp dụng quy định này theo hướng nghiêm hơn. Do đó, muốn bán được hàng, Việt Nam bắt buộc phải tuân theo quy định các nước, chúng ta phải sớm hành động chứ không thể đứng ngoài cuộc”, một chuyên gia nhận định.
Nguồn: tuoitre.vn