Nắng nóng kéo dài, thức ăn tự nhiên trong ruộng không có, khiến tôm sú nuôi trên nền đất lúa của người dân ở Kiên Giang chết nhiều.
Người dân đặt dớn thu tỉa tôm sú trên đất lúa của gia đình
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ở xã Tây Yên A (huyện An Biên) những ngày này người dân tất bật đặt dớn, lú để thu tỉa tôm sú trên nền đất lúa. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài thời gian qua nên tôm (cỡ 60 – 70 con/kg) chết nhiều, sản lượng tôm bắt được rất ít.
Người chịu không nổi nói chi tôm
Anh Nguyễn Quốc Nam (người dân nuôi tôm ở xã Tây Yên A, huyện An Biên) cho biết năm nay nắng quá nóng nên anh và người dân nuôi tôm ở địa phương bị thiệt hại nhiều hơn những năm trước.
30 công đất ruộng nuôi tôm của anh Nam giờ thu tỉa cũng chẳng được bao nhiêu, chỉ bắt được 10kg tôm sú/đêm, giảm 50% sản lượng so với cùng kỳ năm trước.
“Trưa tôi lội xuống ruộng nuôi tôm còn thấy nóng nói chi tôm. Nắng nóng quá, tôm cỡ 60 – 70 con/kg chết muốn hết”, anh Nam nói.
Ông Nguyễn Linh Bảo – giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát ở xã Tây Yên A – nói có nhiều lý do người dân nuôi tôm sú trên nền đất lúa không đạt như kỳ vọng, như nồng độ mặn của nước không đạt (trung bình đầu vụ tôm đến nay dao động 3 – 10‰).
Nhưng đặc biệt do nắng nóng kéo dài, nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng nuôi không có, tôm thiếu thức ăn, bị bệnh rồi chết.
“Nắng làm ruộng nuôi bị rong nhiều, tôm nhỏ còn sống được, nhưng tôm lớn thì không đủ nguồn thức ăn, suy kiệt, bệnh rồi chết. 1,5 ha nuôi tôm gia đình, tôi phải mua ốc cho ăn thêm. 10 hộ nuôi tôm năm nay tôi thấy chỉ đạt được 3-4 hộ là mừng”, ông Bảo khẳng định.
Tôm sú đang được bán với giá 145.000 – 235.000 đồng/kg tùy loại
Hiện người nuôi tôm ở địa phương cũng tìm đủ mọi cách để giúp tôm khỏe như tạt khoáng, bơm nước lên ao nuôi để đạt độ sâu, cào hến cho tôm ăn thêm. Có người phải đặt dớn, lú thu tỉa tôm sớm để bán.
Hiện tôm sú cỡ 20 – 25 con/kg thương lái thu mua khoảng 230.000 – 235.000 đồng/kg, tôm sú 30 – 50 con/kg khoảng 145.000 – 180.000 đồng/kg.
Áp dụng nhiều biện pháp phòng bệnh cho tôm
Ông Nguyễn Đình Xuyên – phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang – cho biết hiện toàn tỉnh đã thả nuôi 125.713ha tôm nước lợ; sản lượng tôm ước đạt 23.449 tấn.
Nắng nóng kéo dài nên tôm nuôi trên nền đất lúa ở huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng… bị thay đổi môi trường sống đột ngột, mầm bệnh dễ tấn công.
Cụ thể, Kiên Giang có gần 450ha (có 308ha tôm bị nhiễm bệnh, 137ha tôm bị sốc môi trường nước) tôm nước lợ bị ảnh hưởng. Tôm chết do bệnh đốm trắng chiếm gần 94%…
Do nắng nóng kéo dài, mực nước ao nuôi tôm sú bị hạ thấp. Trong ảnh: mới bơm nước vào ruộng nuôi hôm kia nhưng hôm nay ông Bảo đo lại nước đã thấp hơn 1 tấc
Ông Xuyên cho biết thêm ngành chuyên môn trong tỉnh đã phối hợp các địa phương tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên tôm. Người dân nuôi tôm – lúa không nên thả tôm nuôi với mật độ dày trong thời điểm nắng nóng, đặc biệt xử lý mầm bệnh trong ao kỹ trước khi thả mới.
Người dân cần tích cực tham gia các lớp tập huấn nuôi tôm, hướng dẫn phòng bệnh và sử dụng tôm giống được kiểm dịch. Ngay thời điểm này, người nuôi cần chủ động khai báo dịch bệnh với chính quyền, trạm thú y ở địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Bà con tuyệt đối không xả thải nước tôm bệnh chưa xử lý theo hướng dẫn của ngành thú y ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Nguồn: tuoitre.vn