Theo các chuyên gia, béo phì và dậy thì sớm có mối liên quan với nhau, các nghiên cứu cho thấy trẻ em gái mắc béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn so với những trẻ em có cân nặng bình thường.
Con “mũm mĩm” chưa mừng đã vội lo
Nhiều cha mẹ cho rằng cho trẻ ăn nhiều, con sẽ khỏe mạnh, đề kháng tốt và ít bị ảnh hưởng bởi bệnh tật. Tuy nhiên, chế độ ăn quá đà, mất cân đối khiến trẻ thừa cân, thiếu chất, đe dọa đến sức khỏe và gây ra tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Điển hình như trường hợp của Y.N. (Hà Nội) bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt từ năm 8 tuổi. Mẹ bé chia sẻ gia đình thường xuyên bổ sung các thực phẩm, cho con ăn nhiều, bé khá mũm mĩm.
Năm con 8 tuổi đã cao 1,3m, nặng 40kg, phổng phao hơn các bạn cùng lớp rất nhiều.
Thế nhưng, chưa kịp mừng vì con phổng phao hơn, N. bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt, tuyến vú và cơ quan sinh dục phát triển. Bố mẹ đưa con đến gặp bác sĩ, được kết luận con đang bị thừa cân béo phì và đã bắt đầu giai đoạn dậy thì sớm.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – trưởng khoa phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì sớm ở trẻ.
Trong đó, có nguyên nhân vô căn, cụ thể trẻ có khối u ở não (u não), viêm não gây nên những tác động từ não xuống các vùng tiết ra hormone kích thích sự phát triển của các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn. Các bệnh ở thận, thượng thận cũng tiết ra hormone có thể sinh ra biểu hiện dậy thì ở trẻ.
Ngoài ra còn có nguyên nhân từ các yếu tố khác như môi trường, di truyền, dinh dưỡng, lối sống… sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn.
“Trước đây, ít trẻ dậy thì sớm nhưng hiện nay số trẻ dậy thì sớm nhiều hơn cũng một phần do chế độ ăn uống, dinh dưỡng. Đó là trẻ ăn các thực phẩm đồ ăn nhanh, nhiều đạm, ăn ít rau.
Thực tế, các nghiên cứu đã cho thấy trẻ em gái mắc béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn so với trẻ em có cân nặng bình thường.
Nguyên nhân do mức độ hormone insulin tăng cao trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng (growth hormone), hormone tình dục (sex hormone) và hormone của tuyến giáp (thyroid hormone), dẫn đến sự phát triển tình dục sớm hơn.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng béo phì có liên quan mật thiết đến sự xuất hiện kích thước vùng ngực lớn ở nam giới, vùng ngực và hông lớn ở nữ giới. Khi cơ thể sản xuất nhiều hormone tăng trưởng, tuyến yên phải tiết ra nhiều hormone để giúp cơ thể tiêu thụ glucose. Điều này làm mức độ insulin tăng và gây ra dậy thì sớm”, bác sĩ Tuấn cho hay.
Cha mẹ nên làm gì khi con dậy thì sớm?
Theo các bác sĩ, không có cách nào để điều trị dậy thì sớm ở trẻ, kể cả giảm cân (nếu trẻ béo phì) cũng không có tác dụng. Đối với những trẻ đã dậy thì thì khi giảm cân, quá trình dậy thì này vẫn tiếp tục và không dừng lại.
Thực đơn ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ béo phì ở trẻ
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo để phòng dậy thì sớm ở trẻ, cần làm từ rất sớm trước khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì bằng cách ngăn chặn chứng béo phì ở trẻ.
Các bậc phụ huynh cần dạy trẻ cách để duy trì sức khỏe lành mạnh nhất, để tránh dậy thì sớm. Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ.
Đồng thời, chú ý đến lượng calo trong bữa ăn của trẻ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển.
Dạy trẻ cách ăn uống lành mạnh, lựa chọn các thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất xơ, vitamin, hạn chế chất béo và các đồ ăn chế biến sẵn.
Hạn chế sử dụng những thực phẩm, đồ dùng có chứa estrogen và testosterone. Bố mẹ không nên cho con sử dụng kem, thuốc, thực phẩm có chứa các thành phần liên quan đến hormone sinh dục.
Với những trẻ xuất hiện những hiện tượng dậy thì sớm thì bố mẹ nên cho con đi khám để nhận được tư vấn của bác sĩ, giúp điều chỉnh lối sống, sinh hoạt để bảo vệ sự phát triển lành mạnh cho con.
Theo bác sĩ Phạm Như Quỳnh – chuyên khoa nội tiết, với bé gái dưới 8 tuổi đã có kỳ kinh đầu tiên hoặc một số dấu hiệu như mọc lông mu, ngực to, mọc mụn trứng cá… có thể bé đã dậy thì.
Với bé trai dưới 9 tuổi có những phát triển như thay đổi giọng nói, có mùi cơ thể, thay đổi kích thước dương vật, mọc ria mép, có mụn trứng cá… là các dấu hiệu trẻ bước vào thời kỳ dậy thì.
Bác sĩ khuyến cáo giai đoạn từ 7 đến 10 tuổi, bố mẹ nên quan sát các dấu hiệu của con hoặc nói chuyện với con để phát hiện các dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ.
Nguồn: tuoitre.vn