Gấp rút gỡ vướng nâng chuẩn cho phòng cháy chữa cháy ra sao? Cần phải phù hợp thực tế thế nào?
Nhiều quán karaoke tại TP.HCM đã xây tường, thay các vật liệu dễ cháy
Nhiều đại biểu Quốc hội, lãnh đạo ban ngành và chuyên gia đề nghị các cơ quan soạn thảo, xây dựng các quy chuẩn về an toàn cháy nổ (phòng cháy chữa cháy) sớm tổ chức lấy ý kiến, ghi nhận vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh để có giải pháp gỡ vướng ngay.
Theo một ý kiến, việc điều chỉnh, sửa chữa các quy định về phòng cháy chữa cháy cho phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ổn định hoạt động, cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất trong cả nước chứ không thể để mỗi địa phương có cách hướng dẫn khác nhau, “linh hoạt” áp dụng các quy định…
Đại biểu Trần Văn Khải (ủy viên thường trực Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội):
Lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, người dân
Việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy là rất cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, dư luận đã phản ánh về việc một số quy định, quy chuẩn liên quan phòng cháy chữa cháy còn có những điểm chưa phù hợp, gây khó khăn, thậm chí khiến một số doanh nghiệp có nguy cơ tạm dừng hoạt động, các quán karaoke phải đóng cửa, gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.
Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo, xây dựng các quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy là Bộ Xây dựng cần sớm tổ chức lấy ý kiến của cơ quan có trách nhiệm thực thi, kiểm tra, cấp phép là Bộ Công an, các bộ ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp, chủ cơ sở để xác định cụ thể các vướng mắc, có giải pháp chỉnh sửa các quy định, quy chuẩn cho phù hợp với thực tế.
Ông Lưu Bình Nhưỡng (phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội):
Tìm ngay giải pháp gỡ vướng
Thời gian qua, nhiều người dân và doanh nghiệp, trong đó có nhiều chủ cửa hàng kinh doanh karaoke, phản ánh về các bất cập trong một số quy định, quy chuẩn, điều kiện về phòng cháy chữa cháy mới. Điển hình là khó khăn với các công trình nhà xưởng đã xây dựng xong và đi vào vận hành trước khi QCVN 06:2022/BXD (quy định các yêu cầu chung về an toàn cháy cho gian phòng, khoang cháy, nhà và các công trình xây dựng) có hiệu lực.
Có công trình thiết kế và xây dựng ở giai đoạn QCVN 06:2021/BXD (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình) có hiệu lực, nhưng khi nghiệm thu cấp phép lại áp quy chuẩn mới (QCVN 06:2022/BXD), khiến nhiều nhà xưởng không thể đưa vào hoạt động vì không được cấp phép. Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke cũng bị tạm dừng hoạt động do không thể đáp ứng theo quy định về phòng cháy chữa cháy.
Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chỉ đạo các bộ ngành liên quan và chính quyền các địa phương rà soát, kịp thời phát hiện những vướng mắc về phòng cháy chữa cháy để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh…
Do đó, các cơ quan chức năng cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, tháo gỡ vấn đề này để doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Tháo gỡ theo hướng đồng bộ
Việc yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh karaoke phải chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy là cần thiết. Tuy nhiên, qua phản ánh của cử tri, doanh nghiệp và báo chí cho thấy nhiều công trình được đầu tư theo phương án phòng cháy chữa cháy cũ, lại được yêu cầu thẩm định, nghiệm thu theo phương án mới mà không có hướng dẫn chuyển tiếp khiến các doanh nghiệp cũng như cán bộ thẩm tra bị “mắc kẹt”.
Thậm chí, nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã chi tiền tỉ để sửa chữa theo quy định mới nhưng vẫn phải đóng cửa. Do đó, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công an và Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu, xem xét rồi đề xuất Chính phủ phương án tháo gỡ phù hợp, giúp các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động ổn định. Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng cần thực hiện đồng bộ, có thể áp dụng thống nhất tại tất cả các địa phương.
Đại tá Vũ Huy Khánh (ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội):
Sẽ có nội dung giám sát về phòng cháy chữa cháy
Chúng tôi có nắm được thông tin qua báo chí về việc doanh nghiệp, người dân phản ánh liên quan một số quy định PCCC gây khó, bất cập.
Trong chương trình giám sát của Ủy ban Quốc phòng – An ninh thời gian tới đang được xây dựng, dự kiến sẽ có nội dung giám sát về vấn đề phòng cháy chữa cháy. Trong đó, sẽ làm rõ các nội dung liên quan đến phản ánh của dư luận, báo chí nêu. Sau khi tiến hành giám sát sẽ thông tin cụ thể cho báo chí, dư luận.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng:
Nâng cao tự giác tuân thủ phòng cháy chữa cháy
Cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh trong trường hợp có điều kiện về an ninh trật tự thì cần tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định phòng cháy chữa cháy. Nếu hạ mức các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, hậu quả là rất lớn bởi liên quan đến tính mạng và tài sản của người dân.
Tuy nhiên, trong các trường hợp cụ thể, Bộ Công an sẽ tiếp thu để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung theo từng trường hợp. Ngoài ra, vấn đề quan trọng trong công tác phòng cháy chữa cháy là phải tăng cường tính tự giác trong chấp hành, tuân thủ quy định phòng cháy chữa cháy. Người đứng đầu các cơ sở trọng điểm về chính trị, văn hóa, xã hội và các hộ kinh doanh cá thể phải thường xuyên có ý thức tổ chức kiểm tra việc đảm bảo quy định phòng cháy chữa cháy.
ThS.KTS Đinh Trần Gia Hưng (giảng viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM):
Đừng để đỏ mắt tìm vật liệu đạt chuẩn
Việc đặt ra quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình, nhất là công trình nhà xưởng công nghiệp, là rất cần thiết. Tuy nhiên, có thực tế là chuỗi cung ứng các vật liệu xây dựng nhà xưởng bảo đảm quy chuẩn đang bị thiếu. Nhà xưởng cần hàng trăm loại vật liệu, nhưng nếu một, hai loại vật liệu không đạt quy chuẩn an toàn phòng cháy do không có nguồn cung ứng, hồ sơ thiết kế, xin phép xây dựng sẽ bị ách lại.Chẳng hạn, quy chuẩn 06 yêu cầu sơn chống cháy (nói riêng) phải đạt được các đặc tính kỹ thuật, tiêu chuẩn, có đầy đủ giấy chứng nhận hợp lệ về an toàn phòng cháy. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, nguồn cung sơn chống cháy theo quy chuẩn là rất thiếu. Có rất ít sản phẩm sơn chống cháy được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt chuẩn.Do đó, từ khi áp dụng quy chuẩn 06 (tháng 7-2020) đến nay, các công trình nhà xưởng xây dựng mới gặp khó trong việc đáp ứng quy chuẩn này. Các nhà xưởng đã được xây dựng, cấp phép trước thời điểm quy chuẩn này có hiệu lực cũng sẽ gặp khó khi thay đổi thiết kế, sửa chữa, cải tạo nhằm mở rộng quy mô sản xuất.ÁI NHÂN
TP.HCM: dịch vụ karaoke dần được gỡ vướng
Nhiều chủ quán karaoke lớn ở TP.HCM cho biết đã được cơ quan chức năng địa phương hướng dẫn chi tiết các quy định về phòng cháy chữa cháy, gỡ vướng để cơ sở được hoạt động lại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thái Sơn, tổng giám đốc Công ty ICOOL (hệ thống karaoke ICOOL), cho biết đã có một cơ sở karaoke (quận 8) trong tổng số 17 quán bị tạm đóng cửa do vướng quy định phòng cháy chữa cháy trước đó đã được mở cửa hoạt động trở lại. Các cơ sở còn lại trên địa bàn một số quận, huyện cũng đang được cơ quan chức năng tích cực hướng dẫn chi tiết nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp.
Chị Trâm, chủ quán karaoke Táo Đỏ (quận Gò Vấp), cũng cho biết quận Gò Vấp đã hướng dẫn chị chi tiết về các quy định phòng cháy chữa cháy mới và quán của chị không phải thẩm duyệt lại, chỉ làm theo các yêu cầu của cơ quan chức năng, sau đó xin phép là sẽ được hoạt động lại. Dự kiến hai tuần nữa quán karaoke của chị sẽ được hoạt động lại sau thời gian dài “đắp chiếu”.
Công bố ngay sản phẩm, vật liệu đủ chuẩn phòng cháy chữa cháy
Các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội, ngành nghề ở TP.HCM vừa phản ánh những bất cập, khó khăn trong việc thực thi các quy định về phòng cháy chữa cháy. Theo đó, với tiêu chuẩn vật liệu phòng cháy chữa cháy, quy định “kết cấu chịu lực được bọc bảo vệ bằng chất, vật liệu chống cháy” buộc các doanh nghiệp phải sơn thêm lớp chống cháy 90 phút, làm tăng chi phí suất đầu tư khoảng 8%/m² nhà xưởng. Tuy nhiên, thị trường chỉ có một vài đơn vị cung cấp, không đảm bảo giá bán hợp lý.
Với cửa chống cháy, thị trường cũng không có nhiều sản phẩm cửa được cấp tiêu chuẩn chống cháy. Do đó, theo các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần mở rộng việc cấp chứng chỉ, tạo thuận lợi cho người mua. Việc yêu cầu phải đầu tư một bể nước khoảng 400m3, thay vì 27-48m3 như trước, để đủ nước cho việc chữa cháy trong 3 giờ khi xây dựng nhà kho có diện tích 1.500m², các doanh nghiệp cho rằng khó đáp ứng do không đủ diện tích đất, chưa kể chi phí bị đội lên rất cao.
Với giải pháp chống cháy lan bằng cách ngăn tường, theo các doanh nghiệp, vách chống cháy trong cùng một khuôn viên xưởng không hợp lý do xưởng là một dây chuyền sản xuất dài và liên tục, không thể xây tường cắt ngang. Các dây chuyền sản xuất từng ngành nghề khác nhau nên cũng phải có các giải pháp phòng cháy chữa cháy phù hợp.
Việc quy định mới yêu cầu các nhà kho sát nhau phải có lối thông hành 5m xung quanh hoặc phải xây tường xung quanh nhà kho với chiều cao ngang với nóc nhà kho cũng khiến doanh nghiệp gặp khó do móng nhà cũ không thể gia cố thêm.
Thậm chí, tường cao kín còn ngăn cản các hoạt động cứu hộ, dễ bị sập đổ. Yêu cầu hệ thống ống gió điều hòa phải được bọc bằng thạch cao chống cháy với giá cả đắt đỏ, thay cho amiang như trước, khiến vốn đầu tư bị đội nhiều lần…
Theo quy định, từ cuối năm 2022, việc cấp phép cho các công trình nhóm A (trên 1.000 tỉ đồng) và dự án cấp 1 được chuyển cho Cục Phòng cháy chữa cháy xem xét, thẩm duyệt thay vì địa phương, khiến việc thẩm duyệt chậm. Có doanh nghiệp nộp hồ sơ thiết kế hơn 12 tháng mà vẫn chưa được cơ quan phòng cháy chữa cháy phê duyệt bản vẽ thiết kế xây dựng phòng cháy chữa cháy.
Do vậy, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý phòng cháy chữa cháy cần nhanh chóng công bố và cấp phép cho nhiều sản phẩm vật liệu, cấu kiện phòng cháy chữa cháy đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, ưu tiên hàng Việt Nam.
Với các sản phẩm đã được cấp phép và công bố, đương nhiên đủ tiêu chuẩn, nhà sản xuất chịu trách nhiệm trước pháp luật, không phải kiểm định lại tại nơi lắp đặt gây tốn thời gian và chi phí xã hội. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, cần xã hội hóa công tác kiểm định, thẩm duyệt, nghiệm thu công tác phòng cháy chữa cháy để đẩy nhanh việc xét duyệt hồ sơ.
Nguồn: tuoitre.vn