Con thích ngành “khoa học vật liệu”, cha mẹ kịch liệt phản đối vì không muốn con sau này làm nghề… sản xuất vật liệu xây dựng. Con hào hứng với “digital marketing”, cha mẹ ngăn vì nghề này “đi lòng vòng ngoài đường tiếp thị sản phẩm”…

Cùng con vào tương lai: Giúp cha mẹ hết bối rối, hoang mang - Ảnh 1.

Phụ huynh đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2023 

Định kiến, cộng với sự thiếu cập nhật, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của cha mẹ đang là rào cản lớn ngăn cách cha mẹ với con cái vào mỗi mùa thi và tuyển sinh. “Cùng con vào tương lai” – chương trình tư vấn đặc biệt dành cho phụ huynh – là cơ hội để hóa giải khoảng cách đó. Chương trình diễn ra từ 7h30 đến 11h chủ nhật (16-4), do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Trường đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Học nông nghiệp không phải đi… làm ruộng

Với sự đi lên của kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, nhiều ngành học “truyền thống” đã và đang ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ. Dù vậy, nhiều cha mẹ vẫn dùng những hiểu biết và kinh nghiệm từ 10 – 20 năm trước để “gán” vào những ngành nghề hiện nay khi tư vấn cho con.

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – quyền hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM – cho biết nhắc tới ngành nông nghiệp, phụ huynh cứ nghĩ tới việc khổ cực, phải ra đồng “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Nhắc tới ngành thú y là nghĩ về những người tiêm thuốc cho động vật nuôi, ngành lâm nghiệp là làm kiểm lâm và đi rừng.

Theo ông Hùng, những ngành nghề này, với sự tiến bộ của công nghệ, đã rất khác xưa. Ngành nông nghiệp được dạy theo hướng áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngành thú y giúp nhiều bạn đã mở được những “khách sạn”, “bệnh viện” dành riêng cho thú cưng. Ngành lâm nghiệp là cơ sở để nhiều bạn trở thành doanh nhân cho các công ty thiết kế, chế biến gỗ…

Chỉ trong 5 năm trở lại đây, số lượng những ngành nghề mới được đào tạo ở bậc đại học gia tăng nhanh chóng. Cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các ngành học được những trường đại học không ngừng đổi mới về hướng tiếp cận, nội dung chương trình.

Ông Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm truyền thông và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính – Marketing, cho rằng điều này khiến nhiều phụ huynh không theo kịp sự phát triển của ngành học ở bậc đại học. Không ít trường hợp khi nghe con nói ý định sẽ theo một số ngành nghề mới như logistics, kinh tế số, phân tích dữ liệu…, cha mẹ không thể hình dung ngành đó sẽ học gì và ra trường làm gì?

“Nhiều câu hỏi tại các chương trình tư vấn tuyển sinh cho thấy cha mẹ chưa theo kịp sự thay đổi trong các nghề nghiệp” – ông Châu nói.

Cùng con vào tương lai: Giúp cha mẹ hết bối rối, hoang mang - Ảnh 2.

Thông tin chương trình tư vấn đặc biệt Cùng con vào tương lai 

Đi đâu giữa “rừng” phương thức xét tuyển?

“Là phụ huynh, tôi cảm thấy rất rối với các cách xét tuyển đại học. Có quá nhiều phương thức xét tuyển. Xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, xét điểm thi đánh giá năng lực, rồi có khi xét thêm tiêu chí phụ, xét kèm theo chứng chỉ ngoại ngữ, rồi có trường còn phỏng vấn riêng… Thời của tôi chỉ có hình thức là thi khối A, B, C, D. Bây giờ tôi nên hướng dẫn con thế nào với rất nhiều cách xét tuyển như thế?” – chị Hoàng Mỹ, ngụ quận 12 (TP.HCM), tâm tư.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – trưởng phòng đào tạo Trường đại học Y Dược TP.HCM – cho biết hiện các phương thức xét tuyển đa dạng ở các trường đại học một phần nào đó đã khiến một số phụ huynh cảm thấy rắc rối.

Ông Khôi chia sẻ muốn nắm thật kỹ các phương thức xét tuyển của một trường đại học, phụ huynh và học sinh nên liên hệ trực tiếp và hỏi thật kỹ bộ phận tuyển sinh ở đại học ấy.

Trong chương trình “Cùng con vào tương lai”, với đại diện của rất nhiều trường đại học, là cơ hội cho phụ huynh được giải thích cặn kẽ về các phương thức xét tuyển cùng những lưu ý khi sử dụng các phương thức này.

Cùng con vào tương lai: Tư vấn 1-1

Cùng con vào tương lai: Giúp cha mẹ hết bối rối, hoang mang - Ảnh 3.

Quét mã QR để đăng ký tham dự

TS Phạm Tấn Hạ – phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho rằng trong những chương trình tư vấn tuyển sinh 2023 của báo Tuổi Trẻ, nhiều phụ huynh đã đến đặt câu hỏi trực tiếp cho ban tư vấn. Đặc biệt trong ngày hội được tổ chức tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), phụ huynh đã “vây” lấy các thầy cô trong ban tư vấn đến giờ phút cuối cùng để được chia sẻ 1-1.

Theo thầy Hạ, nguyên nhân chính của việc chọn ngành nghề giữa cha mẹ và học sinh chưa gặp nhau là do cha mẹ nghĩ một ngành mà mình chọn cho con đang tốt hơn ngành con tự chọn. Theo ông, phụ huynh nên tôn trọng, tin tưởng và cố gắng lắng nghe, hiểu được mong muốn của con, sau đó hãy tìm hiểu về ngành nghề mà con đang lựa chọn từ các chuyên gia.

“Chương trình của báo Tuổi Trẻ sẽ là nơi phụ huynh có thể chia sẻ từng câu chuyện cụ thể mà mình đang gặp phải với con cái để được chuyên gia tư vấn giải đáp. Mục đích cuối cùng là tìm được tiếng nói chung giữa phụ huynh và học sinh” – ông Hạ nói.

Thông tin nóng về các kỳ thi, xét tuyển

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – đánh giá cao nỗ lực của báo Tuổi Trẻ khi tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh dành riêng cho phụ huynh với chủ đề “Cùng con vào tương lai”.Đây sẽ là cầu nối để phụ huynh được cập nhật những thông tin nóng về kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như những điểm mới trong tuyển sinh, xét tuyển đại học năm học 2022 – 2023.Với sự tham gia của đại diện rất nhiều trường đại học, phụ huynh sẽ có được cái nhìn đa chiều về những ngành nghề đang được đào tạo ở các trường, đặc biệt là với những ngành nghề còn mới mẻ. Từ những thông tin thu được trong sự kiện, kết hợp với kinh nghiệm cá nhân, phụ huynh sẽ có thể đưa ra những lời khuyên định hướng nghề nghiệp tốt nhất cho các con.

“Tất tần tật” về kỳ thi đánh giá năng lực

“Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 có khó hơn đợt 1?”, “Nếu thi cả 2 đợt, con tôi sẽ lấy điểm thế nào, lấy điểm cao hơn hay trung bình cộng?”, “Nếu chỉ tham gia một đợt thi liệu có giảm bớt cơ hội xét tuyển?”, “Đăng ký xét tuyển ngoài đại học quốc gia sẽ đăng ký ở đâu?”, “Có kết quả đợt 1 rồi, giờ phải làm gì?”…

Đó là rất nhiều thắc mắc của phụ huynh xunh quanh kỳ thi đánh giá năng lực mà chúng tôi nhận được gần đây.

Có mặt tại chương trình “Cùng con vào tương lai”, TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm khảo thí và quản lý chất lượng, Đại học Quốc gia TP.HCM – sẽ phân tích những diễn biến, kết quả từ đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực vừa qua và đưa ra những thông tin về đợt 2 kỳ thi.

Ông cũng sẽ lưu ý, hướng dẫn phụ huynh các cách thức xét tuyển có sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực. Đại diện các trường đại học có mặt tại chương trình cũng sẽ cho phụ huynh thêm nhiều góc nhìn về điểm sàn, điểm chuẩn và một số yêu cầu thêm khi xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Cùng con vào tương laitư vấn tuyển sinh

Các tin liên quan đến bài viết