Trong cuộc chạy đua phát triển và triển khai thế hệ chatbot AI mới, khả năng ứng dụng rộng rãi của chúng đặt ra hàng loạt lo ngại về quyền riêng tư.
Một số công ty như JPMorgan Chase cấm nhân viên sử dụng ChatGPT, chatbot AI được quan tâm nhất hiện nay, do lo ngại phần mềm bên thứ ba. Lo lắng ngày một tăng khi OpenAI – nhà phát triển ChatGPT – tiết lộ phải tạm dừng công cụ vào ngày 20/3 để sửa lỗi cho phép vài người dùng xem được thông tin của người khác. Các thông tin bao gồm họ, tên, địa chỉ email, địa chỉ thanh toán, bốn chữ số cuối của thẻ tín dụng, ngày hết hạn thẻ tín dụng.
Tuần trước, nhà chức trách Italy ban hành lệnh cấm tạm thời ChatGPT trên cả nước với lý do bảo mật sau khi OpenAI tiết lộ lỗ hổng.
Doanh nghiệp có thể làm lộ bí mật thương mại khi nhân viên sử dụng chatbot AI.
Mark McCreary, đồng chủ tịch bảo mật và quyền riêng tư tại hãng luật Fox Rothschild, cho rằng không nên xem nhẹ những lo ngại đối với một thứ như ChatGPT. Ông ví nó với “hộp đen”.
Nhờ ChatGPT, người dùng có thể viết luận, sáng tác truyện, vẽ tranh, viết lời bài hát chỉ bằng cách đặt câu lệnh (prompt). Google và Microsoft cũng ra mắt các công cụ AI khác dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn được đào tạo từ lượng lớn dữ liệu trực tuyến.
Khi người dùng nhập thông tin vào những công cụ này, họ không biết được sau đó nó sẽ được dùng như thế nào, theo McCreary. Điều này đặc biệt đáng lo với doanh nghiệp. Khi ngày càng nhiều nhân viên dùng công cụ để viết email công việc hay họp hành, khả năng họ bị lộ bí mật thương mại cũng tăng theo.
Steve Mills, Giám đốc đạo đức AI tại tập đoàn tư vấn Boston, đồng tình. Theo ông, lo ngại lớn nhất hiện nay là hầu hết công ty vô tình tiết lộ thông tin nhạy cảm cho công cụ AI. Nếu dữ liệu mọi người nhập vào được dùng để tiếp tục đào tạo AI, họ sẽ mất quyền kiểm soát dữ liệu đó vào tay người khác.
Theo chính sách bảo mật của OpenAI, công ty thu thập tất cả thông tin cá nhân từ người dùng dịch vụ. Họ có thể sử dụng nó để cải thiện hoặc phân tích dịch vụ, tiến hành nghiên cứu, liên lạc với người dùng và phát triển chương trình, dịch vụ mới…
Chính sách nhắc đến việc có thể cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba mà không cần thông báo cho người dùng, trừ khi luật pháp yêu cầu. Ngoài ra, OpenAI còn có tài liệu Điều khoản dịch vụ riêng, trong đó đặt hầu hết trách nhiệm lên vai người dùng để thực hiện các biện pháp phù hợp khi tương tác với công cụ.
OpenAI cũng đăng bài blog mới nói về cách tiếp cận với an toàn AI của mình. “Chúng tôi không dùng dữ liệu để bán dịch vụ, quảng cáo hay lập hồ sơ mọi người – chúng tôi dùng ứng dụng để các mô hình hữu ích hơn. Chẳng hạn, ChatGPT cải thiện nhờ được đào tạo dựa trên hội thoại với mọi người”.
Chính sách bảo mật của Google – công ty đang phát triển công cụ Bard – có nét tương đồng nhưng quan tâm hơn đến quyền riêng tư. Google sẽ lựa chọn một số hội thoại và dùng công cụ tự động để loại bỏ thông tin có thể dùng để xác định cá nhân. Những đoạn hội thoại mẫu được chuyên gia đào tạo xem xét và lưu trữ tối đa 3 năm, độc lập với tài khoản Google. “Ông lớn” cảnh báo không đưa thông tin cá nhân của người dùng hoặc người khác vào trò chuyện với Bard.
Google khẳng định không dùng hội thoại với Bard cho mục đích quảng cáo. Người dùng được lựa chọn dùng Bard mà không lưu lại hội thoại vào tài khoản Google. Họ cũng được xem lại prompt hoặc xóa đoạn trò chuyện qua một liên kết.
Theo Mills, chúng ta vẫn đang trong quá trình tìm hiểu chính xác hoạt động của chatbot AI mới. Đôi khi, người dùng và nhà phát triển chỉ nhận ra những rủi ro bảo mật với công nghệ mới khi đã quá muộn. Ông dẫn ví dụ, tính năng tự động điền biểu mẫu gây ra một số hậu quả không lường trước như làm lộ mã số an sinh xã hội.
“Quan điểm của tôi là không nên đưa bất kỳ thứ gì mà bạn không muốn chia sẻ với người khác vào những công cụ này”, Mills chia sẻ.
Nguồn: vietnamnet