Trong quý 1-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại nhiều địa phương có sự đảo chiều rõ rệt. Một số tỉnh thành trọng điểm về công nghiệp như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu… sụt giảm tăng trưởng sâu, GRDP từ -12% đến -2%.

Sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là giá thép giảm sâu khiến cho GRDP bị ảnh hưởng - Ảnh: TRẦN MAI

Sản xuất công nghiệp đang gặp khó khăn, đặc biệt là giá thép giảm sâu khiến cho GRDP bị ảnh hưởng 

Trong khi đó, một số địa phương có mức độ công nghiệp hóa thấp hơn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Thuận, Khánh Hòa… lại đạt mức tăng trưởng ấn tượng với GRDP tăng từ 8 – 12,67%.

Và trong xu thế tăng trưởng kinh tế của cả nước chững lại, tốc độ tăng GRDP của các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn cả nước cho thấy nhiều lo ngại: TP.HCM tăng trưởng 0,7%, Bình Dương tăng 1,15%, Đồng Nai tăng 3,25%, Cần Thơ tăng 4,02%, Hà Nội tăng 5,8%.

Một số tỉnh thành có mức tăng trưởng GRDP thấp dưới 3% như Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Tây Ninh, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang.

Theo ông Lê Trung Hiếu – phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quý 1-2023 khu vực công nghiệp suy giảm do cả ba ngành công nghiệp quan trọng là khai khoáng, công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện đều tăng trưởng âm với lần lượt là -5,6%, -0,37% và -0,32%.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm do ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên nhiều năm nay vẫn gặp khó khăn, khai thác dầu thô giảm 6%, khai thác khí đốt giảm 6,1%…

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế trên toàn cầu, lạm phát các nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, các doanh nghiệp trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.

Nhóm ngành sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải khác cũng giảm sâu do nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm sút, chi phí đầu vào ở mức cao…

Bình luận về bức tranh kinh tế quý 1-2023, ông Nguyễn Bích Lâm – nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – cho rằng các động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tới hạn, vẫn còn dư địa, vấn đề là làm sao để thúc đẩy được cỗ xe tứ mã trong tăng trưởng.

Đó là thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu tiêu dùng; và thúc đẩy xuất khẩu.

“Môi trường đầu tư kinh doanh còn quá nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Ví dụ quy chuẩn tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy với nhà xưởng sản xuất hiện nay, bản chất quy định thì tốt nhưng nhiều doanh nghiệp không thực hiện, không tuân thủ được, phải phá sản. Cần sớm sửa đổi quy định như này để thúc đẩy đầu tư kinh doanh”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, tiêu dùng trong nước có hồi phục được hay không phụ thuộc rất lớn vào giải pháp hỗ trợ tài khóa của Chính phủ trong thời gian tới. Vì những năm qua thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, phần để dành cho chi tiêu cũng không còn nhiều, nên Chính phủ cần sử dụng chính sách tài khóa để hỗ trợ họ trong chi tiêu cuộc sống.

* Bà Rịa – Vũng Tàu: khai thác dầu khí cũng khó

Khai thác dầu khí giảm mạnh đã ảnh hưởng đến GRDP của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu - Ảnh: Đ.H.

Khai thác dầu khí giảm mạnh đã ảnh hưởng đến GRDP của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu – 

Tăng trưởng GRDP quý 1-2023 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ở mức -4,8%. Trong quý 1-2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính 22.056,3 tỉ đồng, đạt 24,9% so với dự toán và giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do thu về dầu thô giảm (ước đạt 33,9% so với dự toán và bằng 82,70% so với cùng kỳ).

Một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết chỉ riêng việc khai thác dầu khí tiếp tục giảm 9,96% so với cùng kỳ năm ngoái đã kéo GRDP của tỉnh giảm 4,75%.

Ngoài ra, số thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 42,67% so với cùng kỳ, khu vực công nghiệp xây dựng cũng giảm 7,28%… Do đó, nếu trừ đi dầu khí, tăng trưởng GRDP của Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ ở mức dương.

Cũng theo vị này, điểm sáng đáng chú ý của địa phương này là giải ngân vốn đầu tư công của quý 1-2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý là 2.027,3 tỉ đồng, bằng 15,92% so với kế hoạch năm và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm trước.

ĐÔNG HÀ

* Quảng Nam: Sản xuất, lắp ráp ô tô gặp khó

Với GRDP quý 1-2023 là -10,9%, Quảng Nam xếp thứ hai từ dưới lên tại báo cáo về GRDP của 63 tỉnh thành trong cả nước.

Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp – xây dựng quý 1-2023 trên địa bàn giảm 27,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm đến 34,3%, khiến cho tăng trưởng GRDP của địa phương này giảm sâu.

Nguyên nhân chủ yếu do ngành sản xuất, lắp ráp ô tô chủ lực của địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường ô tô khá ảm đạm, sản lượng tiêu thụ xe giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực xây dựng cũng giảm 28,4%.

Chưa kể nhiều doanh nghiệp ngành dệt, sản xuất trang phục, sản xuất chế biến thực phẩm… không có đơn hàng mới, chi phí nguyên vật liệu tăng cao, thị trường tiêu dùng thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh… cũng khiến cho GRDP của Quảng Nam giảm sâu

* Quảng Ngãi: giá thép giảm liên lụy đến tăng trưởng

Chiều 3-4, ông Đặng Văn Minh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi – cho rằng tốc độ tăng trưởng GRDP quý 1-2023 giảm sâu đã được dự báo từ trước.

Theo ông Minh, Quảng Ngãi là tỉnh công nghiệp, yếu tố quyết định là thép và hóa dầu. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, giá thép giảm sâu chưa có dấu hiệu phục hồi, dẫn đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn giảm theo.

“Công nghiệp giảm kéo theo GRDP của tỉnh giảm. Nhưng một số loại hình dịch vụ, công nghiệp sản xuất tại tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Dự báo khi tình hình khó khăn qua đi, GRDP của tỉnh sẽ phục hồi và đạt được những kết quả ấn tượng”, ông Minh nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : tăng trưởngtăng trưởng kinh tế

Các tin liên quan đến bài viết