Micron Technology là công ty bán dẫn nước ngoài đầu tiên bị Trung Quốc tiến hành đánh giá bảo mật.
Micron Technology, nhà sản xuất memory chip lớn nhất Mỹ, đã bị mở cuộc điều tra tại Trung Quốc, vài tháng sau khi đóng cửa hoạt động thiết kết DRAM tại Thượng Hải. Cơ quan quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) cho biết, cuộc điều tra nhằm “bảo vệ an toàn chuỗi cung ứng hạ tầng thông tin quan trọng” và “ngăn chặn các rủi ro bảo mật không gian mạng do những sản phẩm có vấn đề”. Động thái của CAC đe dọa gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Vì sao Trung Quốc điều tra công ty nước ngoài?
Cuộc điều tra diễn ra giữa lúc Trung Quốc đang bị Mỹ và đồng minh bao vây trên mọi phương diện của thị trường bán dẫn. Bắc Kinh bị buộc phải đẩy nhanh nỗ lực tự chủ bán dẫn nhằm giảm lệ thuộc vào công nghệ Mỹ. Theo Wang Lifu, nhà phân tích của hãng nghiên cứu Icwise, dường như Trung Quốc đang “gửi tín hiệu cảnh báo” đến các nước láng giềng như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Micron Technology là nhà sản xuất memory chip lớn nhất của Mỹ.
Hai nước này cùng với Đài Loan (Trung Quốc) đã gia nhập liên minh Chip 4 do Mỹ dẫn đầu. Đây được xem là nỗ lực của Washington nhằm loại bỏ Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng bán dẫn. Các quan chức cao cấp của liên minh đã tổ chức cuộc họp đầu tiên qua mạng vào tháng 2.
Đặc biệt, Hàn Quốc sẽ chú ý đến cuộc điều tra Micron. Đối với các nhà sản xuất memory chip như Samsung Electronics và SK Hynix vẫn đang có nhà máy tại Trung Quốc, nó như lời cảnh tỉnh không nên làm theo các hành động của Mỹ, ông Wang nhận xét.
Nó còn lan sang Hà Lan, sau khi Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ được cho là đã đạt đồng thuận về hạn chế xuất khẩu một số máy móc sản xuất chip tiên tiến cho Trung Quốc. Liên minh mới có thể làm suy yếu tham vọng cải thiện năng lực bán dẫn trong nước của Bắc Kinh.
Vì sao Trung Quốc nhắm vào Micron?
Trước khi thông báo điều tra Micron, Bắc Kinh chưa có hành động đáng kể nào chống lại Mỹ vì ban hành các lệnh cấm khắc nghiệt nhằm vào ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Theo nhà phân tích Wang, Micron bị Trung Quốc xem là “đóng vai trò tiêu cực” trong ngành công nghệ. Thậm chí, còn có một số suy đoán về việc Micron đứng sau nỗ lực áp đặt lệnh cấm vận lên Trung Quốc của Mỹ.
Micron được cho là một trong các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ tăng cường vận động hành lang từ khi chính quyền ông Joe Biden thi hành Đạo luật CHIPS và Khoa học hồi tháng 8/2022. Vài tháng trước khi luật được thông qua, Micron thông báo đóng cửa trung tâm thiết kế chip Thượng Hải vào cuối năm 2022 và hỗ trợ 150 kỹ sư Trung Quốc chuyển sang Mỹ hoặc Ấn Độ.
Năm 2017, Mỹ cáo buộc nhà sản xuất memory chip Fujian Jinhua Integrated Circuit của Trung Quốc đánh cắp công nghệ từ Micron. Công ty đã phải dừng hoạt động do bị Washington trừng phạt.
Trước đây, Micron đã cảnh báo các rủi ro khi bị loại trừ khỏi thị trường Trung Quốc. Trong báo cáo tài chính năm 2021, hãng chip Mỹ nói rằng việc Bắc Kinh hỗ trợ các hãng DRAM nội địa sẽ hạn chế tăng trưởng của nó. Không như các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn ASML hay chip đồ họa Nvidia, sản phẩm của Micron có thể dễ dàng bị thay thế tại Trung Quốc bằng các nhà cung ứng địa phương như Yangtze Memory Technologies hay Samsung, SK Hynix.
Tác động của cuộc điều tra Micron?
Doanh số bán hàng cho Trung Quốc chiếm hơn 10% tổng doanh số của Micron. Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của hãng chỉ sau Mỹ và Đài Loan. Mới đây, Micron báo cáo lỗ ròng 2,3 tỷ USD trong quý II do nhu cầu sản phẩm 3D NAND sụt giảm mạnh, đánh dấu khoản lỗ tồi tệ nhất trong hai thập kỷ. Vì vậy, Micron sẽ đẩy nhanh tốc độ sa thải, thu hẹp lực lượng lao động 15% để điều chỉnh với nhu cầu toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa 7.200 nhân sự sẽ mất việc làm.
Cuộc điều tra của Trung Quốc có thể làm lợi cho các đối thủ của Micron trên thị trường memory chip. Do đó, tiến trình điều tra và kết quả sẽ được các công ty đa quốc gia khác theo dõi chặt chẽ. Với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, nó cộng thêm một rủi ro pháp lý khi kinh doanh tại đây.
Kết quả điều tra sẽ ra sao?
Dù cần ít nhất 30 ngày để cuộc điều tra kết thúc, quy trình có thể kéo dài hơn nhiều nếu vụ việc phức tạp, theo luật sư chuyên về bán dẫn Feng Qiong. Chẳng hạn, cuộc điều tra Didi Chuxing của CAC mất hơn một năm trước khi cơ quan này kết luận phạt 8,026 tỷ NDT (1,2 tỷ USD) đối với gã khổng lồ gọi xe này.
Luật sư Feng cho rằng, Trung Quốc có thể áp đặt nhiều biện pháp hạn chế và phạt nếu sản phẩm của Micron bị phát hiện có vấn đề bảo mật. Còn theo ông Wang, phạt tiền là hình phạt “nhẹ nhất” và nếu không có thay đổi nào sau cuộc điều tra, “bước tiếp theo có thể là hạn chế hoặc cấm tiếp cận thị trường”.
Nguồn: vietnamnet