Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam cấp mới và điều chỉnh đạt gần 119,5 triệu USD (bằng 56,5% so với cùng kỳ).
Công nhân chăm sóc cây trồng ở nông trường của HAGL Agrico – Ảnh: Web HAGL Agrico
Khai khoáng và nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn, thông tin truyền thông bứt phá mạnh
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 11 ngành. Trong đó thông tin và truyền thông dẫn đầu với 3 dự án đầu tư mới và 1 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 105,4 triệu USD, chiếm 88,2% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Có 15 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, dẫn đầu là Singapore với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 105,5 triệu USD, chiếm 88,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Israel, Campuchia, Úc, Thái Lan, Lào…
Lũy kế đến ngày 20-3-2023 Việt Nam đã có 1.625 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam gần 21,9 tỉ USD. Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỉ USD, chiếm gần 53,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Các ngành khai khoáng; nông, lâm nghiệp và thủy sản hút vốn đầu tư Việt nhiều nhất – Ảnh: T.V
Đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,8%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,7%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,5%); Campuchia (13,5%); Venezuela (8,3%)…
Ngành khai khoáng chiếm tỉ trọng lớn, chủ yếu là các khoản đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Khai khoáng và nông lâm ngư nghiệp chiếm gần phân nửa khoản đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.
Những đại diện của ngành khai khoáng và nông lâm ngư nghiệp
Công ty cổ phần khoáng sản Á Châu cũng nắm giữ nhiều khoản đầu tư vào các công ty ở Lào. Tờ Vientiane Times cho biết Việt Nam đã đầu tư hơn 815 triệu USD vào lĩnh vực thủy điện và khai thác mỏ ở tỉnh Attapeu, miền Nam nước Lào.
Những năm gần đây, Chính phủ Lào siết chặt điều khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, yêu cầu chủ đầu tư chứng minh tài chính và kinh nghiệm khai thác nhằm tối ưu hóa nguồn lợi khoáng sản.
Tỉnh Attapeu đồng thời nhận đầu tư lớn từ Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Hiện công ty đang vận hành 1 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm tại đây cùng hàng chục nghìn ha nông trường trái cây.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của HAGL Agrico lại kém khả quan vì năm 2022 đơn vị ghi nhận doanh thu giảm 40% và lỗ 3.565,77 tỉ đồng, gấp 3 lần khoản lỗ năm 2021.
Thông tin truyền thông có đà tăng trưởng mạnh mẽ
Đứng thứ ba trong khu vực đầu tư nước ngoài của Việt Nam là ngành thông tin truyền thông với đại diện tiêu biểu là Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (VGI).
VGI có 9 mạng viễn thông tại 9 quốc gia với gần 51 triệu thuê bao. Tổng dân số các thị trường đang kinh doanh đạt 220 triệu người, gấp 2,2 lần dân số Việt Nam. Trong năm 2022, doanh thu của VGI tăng hơn 22%, còn lợi nhuận tăng gấp 4,4 lần, đạt 1.540,7 tỉ đồng.
Một đại diện khác là Tập đoàn FPT (FPT) với mạng lưới 290 trụ sở, văn phòng, chi nhánh tại 4 châu lục, 29 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, là đối tác quan trọng của hàng trăm tập đoàn lớn trong nhiều lĩnh vực, đối tác công nghệ cấp cao của GE, Airbus, Siemens, Microsoft, Amazon Web Services, SAP.
Doanh thu của FPT năm 2022 đạt 44.010 tỉ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021. Trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài đóng góp 41,2%. Năm 2022, FPT mở 4 văn phòng mới tại Mỹ, Đan Mạch, Nhật Bản và Thái Lan, sở hữu 31 dự án quy mô trên 5 triệu USD, doanh số ký từ thị trường nước ngoài đạt 1 tỉ USD.
Nhìn chung, bức tranh đầu tư ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt có đủ mọi gam màu sáng tối. Chiến lược kinh doanh đều được các doanh nghiệp nghiên cứu sâu rộng trước khi triển khai bởi tình hình địa chính trị biến động khó lường và phức tạp. Dịch COVID-19 làm gián đoạn sản xuất kinh doanh nhưng cũng là động lực lớn lao cho công tác chuyển đổi số.
Nguồn: tuoitre.vn