Cứ 3 trẻ trai thì có 2 trẻ có biểu hiện vú to khi còn nhỏ. Nhưng nếu qua tuổi dậy thì quý ông ngực to có thể là do sự mất cân bằng nội tiết trong cơ thể, có thể do thuốc hoặc một tình trạng bệnh mạn tính như: suy gan, xơ gan, suy thận mạn, suy giáp…
Hình ảnh so sánh giữa nam giới ngực bình thường và ngực to
Phì đại tuyến vú ở nam giới có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, thường gặp nhất ở nam giới trẻ tuổi. Khối bất thường tại vú thường biểu hiện dưới dạng lan tỏa cả hai bên hoặc chỉ là một nốt đơn độc vùng sau quầng vú. Có thể gây đau hoặc không, đôi khi chỉ được phát hiện tình cờ.
Chế độ ăn góp phần ảnh hưởng
Bác sĩ Đào Thị Huyên, khoa giải phẫu bệnh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết chứng ngực to ở nam giới được gọi là phì đại tuyến vú ở nam giới. Đây là tình trạng tăng sinh lành tính lan tỏa hoặc cục bộ ống tuyến vú ở nam giới. Có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào, thường gặp nhất ở nam giới trẻ tuổi.
“Đây là một trạng thái sinh lý khá phổ biến và thường xuyên ở trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên.
Trong độ tuổi này cứ 3 bé trai thì có 2 bé có biểu hiện của bệnh phì đại tuyến vú, nhưng phần lớn tình trạng này lui giảm theo thời gian vì đến 15 tuổi nồng độ testosterone bắt đầu ổn định và cao hơn estrogen, làm cho estrogen không còn ảnh hưởng đến mô vú nữa; đến khoảng 19 tuổi, vú nam giới sẽ bắt đầu co lại và dẹt xuống” – bác sĩ Huyên cho biết.
Trong một số ít trường hợp (thường >26 tuổi), bệnh liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Phần lớn các trường hợp gây ra do sự bất thường tỉ lệ androgen – estrogen; không có hoặc bất thường thụ thể của androgen.
Phì đại tuyến vú ở nam giới có thể do tiếp xúc với estrogen ngoại sinh (ví dụ: phytoestrogen trong chế độ ăn uống; thuốc (có thành phần steroid đồng hóa)) hoặc một tình trạng tăng estrogen nội sinh (khối u tuyến thượng thận…).
Số phận tuyến vú được quyết định bởi hormone sinh dục
GS.TS Dương Trọng Hiếu, chuyên gia về sức khỏe sinh sản nam học, cho biết đây là tình trạng tuyến vú của nam giới nở to và nhô cao lên giống như vú của phụ nữ.
Nguyên nhân do sự mất cân bằng nội tiết (tăng estrogen) trong cơ thể. Chúng ta biết rằng trong cơ thể nam ngoài hormone đặc trưng của nam là testosterone vẫn còn có hormone của nữ là estrogen, progesterone nhưng ở nồng độ thấp.
Tuyến vú ở người được hình thành ngay từ trong bào thai, khi trẻ ra đời cấu trúc vú đã hình thành đầy đủ, núm vú và vầng vú hiện ra rõ. Sự suy giảm của prolactin thai nhi cùng sự suy giảm estrogen và progesterone nhau thai khi sinh làm cho tuyến vú “ngủ yên” cho tới thời điểm trước dậy thì.
Số phận của tuyến vú có phát triển hay không được quyết định bởi hormone sinh dục trong cơ thể là hormone nào chiếm ưu thế, estrogen, progesterone có hoạt động phối hợp để phát triển tuyến vú ở nữ nhưng progesterone có vai trò giới hạn trong hoạt động này, chủ yếu là vai trò của estrogen.
Prolactin cũng là một hormone khác khi tham gia vào phát triển tuyến vú tăng sinh tế bào nội mạc tuyến vú tiết sữa nhưng tác dụng này chỉ có được khi có sự hiện diện của estrogen, có thể có hoặc không có thêm progesterone.
Nếu hormone nam ưu thế, tuyến vú sẽ nằm yên hoặc teo nhỏ, không phát triển. Nếu hormone nữ ưu thế, tuyến vú nở to và phát triển đầy đủ.
Sự tác động và tranh giành ảnh hưởng của hai nhóm hormone này lên tuyến vú trong một cơ thể nam giới là nguyên nhân gây ra tình trạng phì đại tuyến vú ở nam giới.
Chính vì thế nam giới có thể bị phì đại tuyến vú ở bất kỳ thời điểm nào nếu cơ thể không kìm hãm được sự gia tăng hormone estrogen, progesterone.
Cần phân biệt với giả phì đại và ung thư vú
Theo GS Hiếu, tình trạng phù tuyến vú sinh lý thường ở 2 giai đoạn: trẻ sơ sinh do sự sụt giảm lượng hormone androgen mẹ và thời kỳ dậy thì do sự dao động mạnh của các hormone sinh dục testosterone và estrogen nên tuyến vú tạm thời phì đại, sau giai đoạn dậy thì thì hoạt động sản xuất nội tiết tố sinh dục ổn định, tuyến vú lại teo nhỏ.
Một số thuốc làm tăng estrogen được cho là có tác dụng phụ làm phì đại tuyến vú như nhóm lợi tiểu spironolactone, nhóm chẹn kênh canxi, thuốc điều trị dạ dày như cimetidin, omepzazol, nhóm thuốc kháng nấm ketoconazol. Một số tình trạng bệnh mạn tính (suy gan, xơ gan, suy thận mạn, suy giáp, suy dinh dưỡng…).
Biểu hiện của bệnh là tuyến vú bị to lên, núm vú nhô lên, sờ vào thấy nhu mô tuyến vú mềm và nắm vào bệnh nhân hơi đau. Nhiều người gọi hiện tượng này là sưng vú.
Một số bệnh nhân có cảm giác đau tức nhẹ, khó chịu thường xuyên hoặc cảm giác đau vướng vướng ở quanh vú mà khó xác định điểm đau cụ thể.
“Cần phân biệt với trường hợp giả phì đại vú ở người béo phì bằng cách thăm khám kỹ và không thấy tổ chức mô vú, thay vào đó chỉ thấy tổ chức mỡ lỏng lẻo.
Trường hợp nữa cần phân biệt với ung thư vú, trong trường hợp ung thư vú khám thấy khối vú lổn nhổn cứng chắc, bệnh nhân đau nhiều và có thể hạch quanh vú hoặc hạch nách” – GS Hiếu nhấn mạnh
Phì đại tuyến vú ở nam giới là bệnh lý lành tính, không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú. Hầu hết các trường hợp phì đại tuyến vú ở nam thoái triển trong vòng 2 năm, bệnh nhân thường chỉ cần theo dõi mà không cần phải điều trị. Sau 2 năm nếu phì đại không biến mất thì tiến hành điều trị.
Điều trị bao gồm thuốc ức chế aromatase và/hoặc liệu pháp androgen. Việc điều trị nội tiết hiệu quả với hầu hết các trường hợp.
Phẫu thuật cắt bỏ khối phì đại được khuyến nghị trong một số trường hợp bệnh lý không cải thiện khi thay đổi lối sống hoặc điều trị thuốc, bệnh nhân ảnh hưởng chất lượng sống. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú có tác dụng nhanh mà không lo tái phát.
Nguồn: tuoitre.vn