Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm chậm do doanh nghiệp gặp khó khăn. Để tháo gỡ, sắp tới sẽ có chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp.

Sẽ có chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp như thời kỳ dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Theo ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng quý 1 chậm do nhu cầu vốn của nền kinh tế hạn chế 

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1-2023 tổ chức chiều 31-3, ông Đào Minh Tú – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến ngày 28-3, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng tăng chậm do nhu cầu vốn hạn chế

Tăng trưởng tín dụng tăng chậm so với cuối năm 2022 là do nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Khách quan là doanh nghiệp khó khăn khi đơn hàng giảm, tình trạng tồn kho… nên nhu cầu tín dụng của một số lĩnh vực hạn chế.

Song ông Tú kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của cả năm nay ước đạt 14-15% như mục tiêu đặt ra. Hiện các ngân hàng thương mại đã được giao hạn mức tín dụng kịp thời.

Để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp như đôn đốc, khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay, có chính sách hỗ trợ, giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực tiền tệ – ngân hàng.

Đơn cử gói chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước với 40.000 tỉ đồng, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục triển khai mạnh mẽ.

Sẽ có chính sách hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp như thời kỳ dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn thiện dự thảo thông tư giãn, hoãn nợ cho một số đối tượng gặp khó khăn khách quan 

Giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp khó khăn

Về chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn, ông Tú nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước đã nghiên cứu, đề xuất để có cơ chế chính sách hỗ trợ.

Khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn.

Ông Tú thông tin chính sách sẽ hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, dòng tiền không được như mong muốn.

Nếu có thêm nguồn vốn hỗ trợ tín dụng thì doanh nghiệp sẽ đỡ khó khăn.

“Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ như cơ chế thông tư 01 năm 2020 để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhưng đối tượng nào, ngành nghề nào được hỗ trợ sẽ được tính toán nhằm đảm bảo giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn.

Chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế, không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này” – ông Tú nhấn mạnh.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Ngân hàng Nhà nướctăng trưởng tín dụng

Các tin liên quan đến bài viết