Thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm thường xuất hiện dịch bệnh thủy đậu (dân gian gọi trái rạ) ở trẻ em. Nhiều người thấy trẻ bị nổi phỏng nước hay kiêng tắm, kiêng gió cho mau khỏi. Đúng không?

Có kiêng tắm, kiêng nước khi trẻ bị bệnh thủy đậu? - Ảnh 1.

c nốt phỏng trên bệnh nhân thủy đậu 

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh – trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ – cho biết thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút thủy đậu có tên Varicella virus gây ra. Loại vi rút này là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn.

Bệnh lây truyền từ người sang người bằng cách tiếp xúc trực tiếp, lây lan qua không khí từ các giọt nước bọt nhỏ li ti tiết ra từ đường hô hấp hoặc lây từ các chất dịch ở nốt phỏng.

Mắc thủy đậu rồi có mắc lại?

Khi trẻ mắc thủy đậu, nếu không được điều trị đúng và kịp thời, có thể biến chứng gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não…

Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, có tính miễn nhiễm rất cao. Vì vậy, trẻ em hay người lớn sau khi khỏi bệnh thủy đậu thì sẽ có miễn dịch với bệnh. Nhưng một số nghiên cứu cho thấy khoảng 10% người bệnh đã từng nhiễm thủy đậu trước đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh zona (giời leo) khi về già (trên 60 tuổi).

Trẻ bị thủy đậu có cần kiêng nước, kiêng gió?

Có khá nhiều phụ huynh vẫn còn thắc mắc khi con mình bị thủy đậu có phải kiêng tắm, kiêng ra gió hay không?

Việc kiêng khem như dân gian này là quan niệm sai lầm, bởi trẻ mắc thủy đậu sẽ khó chịu, ngứa da. Không tắm rửa, vệ sinh sẽ càng khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt thủy đậu, dễ nhiễm trùng nặng hoặc viêm da bội nhiễm. Thay vào đó, cha mẹ nên chú ý tắm cho con bằng nước ấm, tắm nhanh tránh cảm lạnh.

Việc kiêng gió hay đi ra ngoài cũng vậy, không có khuyến cáo về mặt y khoa cho việc kiêng cữ này. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu mắc bệnh nên cách ly không cho trẻ ra ngoài để hạn chế bệnh lây lan.

Nhiều phụ huynh đến khám còn cho biết họ nghe nói trẻ bị thủy đậu cần kiêng ăn thức ăn có mùi tanh như: trứng, tôm, cá, thịt vịt, thịt gà… cho rằng ăn sẽ khiến trẻ bị ngứa. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm vì khi bệnh, việc ăn uống cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng với các thực phẩm giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin A, C và kẽm… để nâng cao hệ miễn dịch.

Có nên tắm lá cây cho mau ra hết nốt phỏng?

Ngày nay, ở vùng nông thôn nhiều bậc phụ huynh vẫn còn truyền miệng nhau các bài thuốc lá để tắm cho trẻ khi bị thủy đậu để làm mát và mau khỏi bệnh…

Tuy nhiên, da trẻ rất mỏng nên rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng. Nếu các loại lá không được rửa sạch hoặc có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ gây nguy cơ nhiễm khuẩn cho da.

Đồng thời, nếu cha mẹ có quan niệm trẻ mọc càng nhiều và nhanh nốt ban, phỏng nước thì bệnh sẽ khỏi nhanh… là quan niệm sai lầm thường gặp. Thực tế cho thấy nốt phỏng nước nổi càng ít càng tốt và cần điều trị sớm để tránh nổi thêm.

Phòng thủy đậu ra sao?

Trong điều trị, không nên tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ, vì kháng sinh không diệt được vi rút. Việc bôi xanh methylen cũng vậy, không phải bôi càng nhiều càng mau khỏi, mà chỉ bôi vào các nốt đã vỡ hoặc mọng nước.

Biện pháp phòng thủy đậu hiệu quả nhất hiện nay vẫn là tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đúng lịch. Thời điểm có bùng phát dịch bệnh, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bệnh thủy đậuNhi đồng Cần Thơ

Các tin liên quan đến bài viết