Các khách hàng ở châu Á như Trung Quốc, Indonesia… bất ngờ tăng mua lượng lớn gạo Việt Nam. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đảo chiều tăng mạnh trong 3 tháng năm đầu năm nay.
Thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, sau 2 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng âm, đến tháng 3/2023 xuất khẩu gạo đảo chiều, giá trị xuất khẩu gạo ước đạt 480 triệu USD, tăng 82,6% so với tháng 2/2022.
Hiện, gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 450 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 440-445 USD/tấn vào đầu tháng. Theo các thương nhân, giá gạo tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc đang phục hồi và Indonesia cũng đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia.
Tính đến hết tháng 3 năm nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,79 triệu tấn gạo, thu về 952 triệu USD, tăng 19,3% về khối lượng và tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 531 USD/tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023, chiếm 43,3% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này 2 tháng đầu năm nay đạt gần 402 nghìn tấn, thu về 204,7 triệu USD, giảm 25% về khối lượng và giảm 17,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng 30.352%
Song, gạo Việt bất ngờ đắt khách ở các thị trường khác tại châu Á. Đơn cử, hai tháng năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 90 triệu USD, tăng 120,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Singapore cũng tăng tới 40,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Indonesia. Xuất khẩu gạo của Việt Nam hai tháng năm 2023 sang thị trường này đạt 67,3 triệu USD, tăng đột biến 30.352% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện, thị trường Indonesia chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Thương vụ Việt Nam tại Indonesia dẫn thông tin mới nhất từ Bộ Thương mại Indonesia, nước này sẽ nhập khẩu 2 triệu tấn gạo dự trữ quốc gia trong năm 2023.
Theo Chính phủ Indonesia, lượng gạo dự trữ quốc gia nhập khẩu sẽ được sử dụng vào chương trình bình ổn giá gạo, hỗ trợ gạo cho 21,53 triệu hộ nghèo và sử dụng cho các mục đích khác. Cơ quan dịch vụ hậu cần quốc gia – Preum Bulog tiếp tục được chỉ định là đầu mối nhập khẩu trong đó 500.000 tấn sẽ được thực hiện sớm nhất có thể.
Đây là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang Indonesia. Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam lưu ý, để có thể cung ứng với số lượng gạo nhiều nhất cho đợt thu mua tới đây của Indonesia, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang cung cấp gạo dự trữ quốc gia cho Indonesia, cần chủ động sớm tiếp cận Preum Bulog để quảng bá sản phẩm của mình.
Nguồn: vietnamnet