Ngày 27-3, Ngân hàng Thế giới cảnh báo đại dịch COVID-19 và cuộc chiến Ukraine làm suy giảm tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dẫn đến một “thập kỷ mất mát” khiến nghèo đói nhiều hơn.

Cảnh báo kinh tế toàn cầu rơi vào thập kỷ mất mát - Ảnh 1.

Các tàu container tại cảng ở Oakland, California 

Cảnh báo được đưa ra khi thế giới đối phó với các cuộc khủng hoảng chồng chéo – một đại dịch làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu và hệ thống y tế công cộng căng thẳng. Đồng thời xung đột Nga – Ukraine cũng làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tổn thương các mối quan hệ thương mại quốc tế.

Sắp kết thúc kỷ nguyên vàng phát triển

Mối đe dọa về một cuộc suy thoái kéo dài hơn trùng hợp với những dấu hiệu căng thẳng mới trong hệ thống tài chính thế giới: một loạt cuộc khủng hoảng ngân hàng, đe dọa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Thế giới dự báo tiềm năng tăng trưởng trung bình toàn cầu sắp giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm là 2,2%/năm, kéo dài từ 2023 – 2030. Trong khi thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, mức độ tăng trưởng toàn cầu đạt 3,5%/năm.

Sự sụp đổ sẽ còn rõ rệt hơn đối với các nền kinh tế đang phát triển, vốn tăng trưởng với tốc độ trung bình hằng năm là 6% từ thập kỷ 2000 – 2010. Tỉ lệ đó có thể giảm xuống 4% trong thập kỷ này.

Ông Indermit Gill, nhà kinh tế trưởng kiêm phó chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển của Ngân hàng Thế giới, lý giải một “thập kỷ mất mát” như sau:

“Đó là sự suy giảm liên tục trong tốc độ tăng trưởng tiềm năng, có tác động nghiêm trọng đến khả năng của thế giới trong việc giải quyết hàng loạt thách thức ngày càng lớn của thời đại: tình trạng nghèo đói dai dẳng, thu nhập chênh lệch và biến đổi khí hậu”.

Các quan chức tại Ngân hàng Thế giới cho biết “kỷ nguyên vàng” của sự phát triển dường như sắp kết thúc.

Rủi ro tài chính tăng cao

Theo Ngân hàng Thế giới, tần suất ngày càng tăng của các cuộc khủng hoảng toàn cầu tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng, ngay cả khi các dấu hiệu phục hồi kinh tế xuất hiện.

Nỗ lực của các ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng Valley Silicon và Ngân hàng Signature ở Mỹ trong tháng này, và việc Ngân hàng UBS giải cứu Credit Suisse (Thụy Sĩ).

Bà Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hôm 26-3 cho biết “rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên” và các nhà hoạch định chính sách phải luôn cảnh giác.

Bà Georgieva lưu ý tình trạng hỗn loạn tài chính gần đây có thể có tác động đối với báo cáo ổn định tài chính và triển vọng kinh tế toàn cầu của IMF, sẽ được công bố trong vài tuần tới.

“Vào thời điểm mức nợ cao hơn, quá trình chuyển đổi nhanh chóng từ thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều – cần thiết để chống lạm phát – chắc chắn tạo cho nền kinh tế toàn cầu căng thẳng và dễ bị tổn thương hơn. Bằng chứng là những trục trặc gần đây trong lĩnh vực ngân hàng ở một số nền kinh tế tiên tiến”, bà Georgieva phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc.

Các quan chức của Ngân hàng Thế giới cho biết nếu tình trạng hỗn loạn ngân hàng hiện nay dẫn đến khủng hoảng tài chính và suy thoái, thì các dự báo tăng trưởng toàn cầu có thể còn yếu hơn do mất việc làm và đầu tư.

Ông Ayhan Kose, giám đốc Nhóm Triển vọng của Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Dù nhìn nhận thế nào đi nữa, nếu tình hình hiện tại trở nên tồi tệ hơn và dẫn đến suy thoái, đặc biệt là suy thoái ở cấp độ toàn cầu – điều đó có thể có tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng dài hạn”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : kinh tế toàn cầuNgân hàng thế giới

Các tin liên quan đến bài viết