Quản lý dân cư theo sổ hộ khẩu điện tử được kỳ vọng giảm bớt giấy tờ, nhưng đã phát sinh những chuyện buộc người dân phải ngược xuôi xin giấy xác nhận cư trú.
Theo Luật Cư trú, sổ hộ khẩu giấy chỉ được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú đến hết ngày 31/12/2022. Và từ năm 2023, sổ hộ khẩu bản giấy bị “khai tử”, việc quản lý dân cư sẽ theo hình thức sổ hộ khẩu điện tử.
Thực tế, sổ hộ khẩu giấy có lịch sử hình thành và gắn liền cuộc sống của người dân. Qua nhiều giai đoạn, sổ hộ khẩu càng gắn bó mật thiết, là giấy tờ quan trọng với mỗi người. Trong quản lý xã hội, sổ hộ khẩu có vai trò quan trọng và có tính lịch sử qua các giai đoạn.
Tuy nhiên, hiện nay, với rất nhiều thay đổi về công nghệ, xã hội số, chuyển đổi số, những hình thức quản lý xưa cũ cũng đứng trước đòi hỏi cần phải thay đổi.
Phụ huynh mệt mỏi đi xin giấy xác nhận cư trú cho con tại Công an phường Giang Biên
Trong quản lý dân cư, khi Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực, phương thức quản lý dân cư thông qua sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bắt đầu được thay thế bằng số định danh cá nhân.
Theo cơ quan chức năng, khi không còn sổ hộ khẩu, người dân có thể khai thác thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Và trên hệ thống, mỗi người sẽ có một mã định danh cá nhân, trong đó có đầy đủ tên, tuổi, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, quan hệ nhân thân.
Vì thế, khi đã cấp số định danh cho từng cá nhân, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú, đó là nỗ lực lớn, là bước tiến trong quản lý.
Tuy nhiên, khi bỏ sổ hộ khẩu, một số nơi, một số lĩnh vực vẫn làm khó người dân về giấy xác nhận cư trú. Đơn cử như trường hợp anh Trần K. (phường Tam Bình, TP. Thủ Đức, TP.HCM), phải đi 4 chuyến bay mới xong thủ tục giao dịch đất đai, trong đó có việc phải xin giấy xác nhận cư trú.
Trước những phiền hà người dân gặp phải, ngày 28/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký công điện của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Công điện nêu rõ, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định và chỉ đạo của Chính phủ, gây phiền hà cho cá nhân, tổ chức. Vì vậy, yêu cầu quán triệt đến từng cơ quan, từng cấp về việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến.
Ở địa phương, TP.HCM cũng có chỉ đạo tuyệt đối không yêu cầu người dân xuất trình giấy xác nhận cư trú; Hà Nội cũng chỉ đạo sẽ xử lý cán bộ tự ý đặt ra thủ tục hành chính khi bỏ sổ hộ khẩu giấy.
Vậy nhưng, ngay mới đây, tại phường Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội), các bậc phụ huynh vẫn kiệt sức khi phải chờ trực xin giấy xác nhận cư trú cho con chuyển cấp học. Đáng nói, các trường thực hiện theo văn bản của Sở GD&ĐT, dù ngày 15/3, sở này đã có chỉ đạo tạm dừng yêu cầu phụ huynh xác nhận cư trú cho học sinh chuyển cấp.
Thực tế sẽ còn nhiều thủ tục hành chính, dịch vụ công cần đến dữ liệu dân cư, cư trú, nhưng không phải cách yêu cầu người dân đôn đáo đi xin xác nhận cư trú.
Có ý kiến cho rằng, chính sách mới, chủ trương mới khi đi vào cuộc sống ít nhiều sẽ có vướng mắc, trở ngại, nhưng vấn đề quan trọng là phải thống nhất về nhận thức và cách làm.
Vì thế, Văn phòng Chính phủ yêu cầu, trước 20/3, các bộ ngành, địa phương phải hoàn thiện quy trình điện tử để bãi bỏ yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu giấy, giấy tạm trú, xác nhận cư trú khi làm thủ tục hành chính.
Chỉ có hoàn thiện về quy trình và công khai về thủ tục, người dân mới có cơ hội giám sát quá trình thực thi và tránh bị sách nhiễu, phiền hà.
Nguồn: vietnamnet