Theo quy hoạch, đến năm 2030 vùng Đông Nam Bộ có 970km cao tốc nhưng hiện đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch. Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp hơn 30% GDP, nhưng vùng Đông Nam Bộ chưa được đầu tư tương xứng.

Đóng góp nhiều nhưng vùng Đông Nam Bộ chưa được đầu tư tương xứng - Ảnh 1.

Hội thảo quốc gia “Động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng Đông Nam Bộ: Tiềm năng và thách thức” diễn ra hôm nay 10-3. Thông qua hội thảo, Đại học Kinh tế TP.HCM cũng chính thức ra mắt Viện Nghiên cứu và tư vấn phát triển kinh tế vùng 

GS.TS Sử Đình Thành – hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM – cho biết mặc dù chỉ chiếm khoảng 9% diện tích và 20% dân số, nhưng vùng Đông Nam Bộ (gồm TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) lại góp phần rất lớn cho sự phát triển đất nước. Vùng đóng góp hơn 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 45% tổng thu ngân sách nhà nước (2021).

Tuy nhiên, vùng này đang đối diện với hạ tầng giao thông chưa được phát triển đồng bộ, khiến chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa cao, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, vùng có tỉ lệ đô thị hóa cao 67%, đặc biệt siêu đô thị như TP.HCM cùng với các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai đang thu hút hơn 40% lao động nhập cư, nên phải đối diện thách thức về cơ sở hạ tầng đô thị và cơ sở hạ tầng xã hội.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ có 970km cao tốc, nhưng hiện tại mới chỉ đưa vào khai thác thực tế chỉ hơn 10% so với quy hoạch, do thiếu hụt nguồn vốn đầu tư công và khó khăn giải phóng mặt bằng.

“Đây là vùng có nhiều tiềm năng phát triển dài hạn, nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại, tồn tại nhiều điểm nghẽn”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á – nhận định.

Cụ thể, tỉ lệ lao động có kỹ năng của vùng Đông Nam Bộ chỉ xấp xỉ bằng mức trung bình cả nước. Tỉ lệ chi R&D (hoạt động nghiên cứu và phát triển) trên GRDP ở mức rất thấp. Các vấn đề mang tính quản trị vùng chưa được quan tâm đúng mức và hiệu quả.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong thời gian TP.HCM là chủ tịch hội đồng vùng, nhưng tính pháp lý chưa đủ mạnh do nguồn lực đầu tư công cho vùng vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn lực đầu tư công riêng lẻ của từng địa phương theo tỉ lệ ngân sách để lại hằng năm.

Vùng đóng góp vào thu ngân sách chung của cả nước với tỉ trọng rất cao nhưng tỉ lệ thu và chi ngân sách của vùng so với chi ngân sách cả nước có cách biệt lớn.

NGND.GS.TS Võ Thanh Thu nhận định: “Đông Nam Bộ không chỉ là vùng kinh tế lớn nhất nước, mà còn là trung tâm khoa học – công nghệ lớn thứ hai ở Việt Nam”.

Để vùng Đông Nam Bộ phát triển đúng tiềm lực, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng. Ban chỉ đạo vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chủ động đề xuất xây dựng chiến lược phát triển khoa học – công nghệ toàn vùng.

Đồng thời, cần đánh giá hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, tài chính… Xây dựng chiến lược thu hút nhà đầu tư có công nghệ. Xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu với các trường đại học có năng lực, có uy tín cao, có hoạt động nghiên cứu và phát triển trong doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế chính sách lương để thu hút nhân tài. Đổi mới cơ chế chính sách về thuế, tín dụng và chế độ tài chính để khuyến khích mạnh mẽ các hoạt động R&D, sáng tạo công nghệ…

Bà Võ Thị Trung Trinh – phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – cho biết để nền kinh tế số phát triển, các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt, công dân số… thực hiện tốt, hạ tầng số cần được phát triển đồng bộ.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới đã công bố chiến lược dữ liệu cho TP.HCM, hỗ trợ công cuộc chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh. Sau khi được tạo lập, dữ liệu số cần được mở cho trường học, tổ chức, doanh nghiệp… khai thác.

Song song đó, 2023 và các năm tiếp theo cần hướng đến hoàn thiện quy định pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật giao dịch điện tử, sandbox (cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát)…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Đông Nam Bộkinh tế vùngvùng Đông Nam bộ

Các tin liên quan đến bài viết