Nhà chung cư là tài sản cả đời, không thể chấm dứt quyền sở hữu lạnh lùng

15:49 08/03/2023  Kinh Tế

Nhà chung cư hiện nay là khối tài sản rất lớn của một gia đình, lẽ nào ra một quy định chấm dứt quyền sở hữu một cách đơn giản, lạnh lùng như vậy.

Tại hội nghị phản biện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) chiều 7/3, nhiều đại biểu nêu băn khoăn về việc bổ sung quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà ở chung cư khi hết thời hạn sử dụng.

Lo dân không còn mua nhà chung cư

GS.TS Trần Ngọc Đường dẫn lại lý do bổ sung quy định này là vì trong thời gian qua, việc phá dỡ, cải tạo xây dựng lại nhà ở chung cư tại các địa phương, nhất là Hà Nội và TP.HCM vẫn còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Do pháp luật về nhà ở không có quy định về chấm dứt quyền sở hữu chung cư nên chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu nhà chung cư là vĩnh viễn và không thực hiện việc di dời để phá dỡ nhà chung cư.

GS.TS Trần Ngọc Đường

“Căn cứ thực tiễn này để chấm dứt quyền sở hữu hợp pháp nhà chung cư theo tôi không xác đáng và thiếu cơ sở thực tiễn”, ông Đường nói.

Theo GS Trần Ngọc Đường, không thể đánh đồng những nhà chung cư đã xuống cấp, hết hạn hiện nay với những nhà chung cư hình thành quyền sở hữu từ quyền mua, bán hợp pháp theo giá thị trường.

“Nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên sự mua bán sòng phẳng theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp. Vì vậy, nhà chung cư hiện nay là khối tài sản rất lớn của một gia đình (có những căn hộ chung cư hàng chục tỷ). Lẽ nào Nhà nước ra một quyết định bằng một quy định của luật là chấm dứt quyền sở hữu một cách đơn giản, lạnh lùng như vậy”, ông Đường bày tỏ.

Ngoài ra, ông Đường cho rằng nhà chung cư (thời trước đây) chủ đầu tư là nhà nước, không gắn với trách nhiệm của một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhà chung cư ngày nay gắn với trách nhiệm của nhà đầu tư là một doanh nghiệp cụ thể.

Dẫn quy định “kể từ ngày UBND cấp tỉnh ra thông báo phá dỡ nhà chung cư thì quyền sở hữu nhà ở ghi trong giấy chúng nhận đã cấp cho các chủ sở hữu nhà chung cư không còn giá trị pháp lý”, ông Đường cho rằng điều này hoàn toàn duy ý chí, không thấu tình đạt lý…

“Nếu không xử lý thỏa đáng hậu quả của việc tuyên bố chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư của chủ sở hữu, tôi nghĩ thị trường bất động sản về nhà chung cư sẽ kém sôi động, người dân kém nhiệt tình với việc ở nhà chung cư. Trong lúc đó, thế giới xem đây là một xu hướng sống của cư dân thành phố để tiến tới xóa bỏ nhà ở manh mún, nhỏ lẻ”, ông cảnh báo.

Vì vậy, GS Trần Ngọc Đường đề nghị, việc xử lý nhà chung cư bị phá dỡ nếu xảy ra cần phải xem xét và giải quyết một cách toàn diện, hài hòa giữa nhà nước (bảo vệ quyền sở hữu cho người dân), chủ đầu tư và chủ sở hữu nhà chung cư.

Không nên có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Trong tham luận gửi đến hội nghị, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật cho rằng, về tâm lý người dân đều không muốn trong sổ đỏ ghi nhà ở có thời hạn về sở hữu.

Ông Thường đề nghị không nên có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Điều quan trọng là cần rà soát tất cả các dự thảo chính sách về quyền sở hữu nhà chung cư cho đầy đủ, rõ ràng, cụ thể, minh bạch.

Các quy định phải bảo đảm các quy định không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật hiện hành; bảo đảm tính khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn, đánh giá đầy đủ tác động, hiệu quả về chính trị, kinh tế, xã hội của các chính sách, nhất là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Trong trường hợp nhà  chung cư bị tháo dỡ hoặc hủy bỏ cần quy định chính sách đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách tái định cư.

Đề xuất chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư đến giai đoạn hư hỏng phải phá dỡ đang gây nhiều tranh luận trái chiều. 

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: “Nhà chung cư là tài sản cả đời của người dân. Phải quy định cụ thể bảo vệ người mua, người tiêu dùng, để bớt đi những khiếu nại, khiếu kiện đông người”.

Ông Chiến đề nghị cần nghiên cứu chế tài hoặc thiết kế chế tài ở luật để bảo vệ người dân để tránh những trường hợp chủ đầu tư sai phạm nhưng người mua nhà giờ nhà không mua được, đất không lấy được, tiền không được trả lại.

Chính phủ đề xuất hai phương án:

Phương án 1: Bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư, theo đó, quy định cụ thể về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu sau khi nhà chung cư bị phá dỡ.

Đa số các thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ Xây dựng thống nhất với phương án bổ sung quy định về sở hữu nhà chung cư như nêu trong dự thảo.

Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chung cưLuật nhà ởNhà ở chung cư

Các tin liên quan đến bài viết

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP 24H BÌNH PHƯỚC
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đỗ Khắc Hoàn
Hoạt động theo giấy phép: Số 05/GP-TTĐT ngày 04/11/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông Bình Phước
Địa chỉ Ban biên tập: Khu phố 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Điện thoại: 0916.921.160 Email: 24hbinhphuoc@gmail.com

LIÊN HỆ QUẢNG CÁO
CỬA HÀNG DỊCH VỤ - TRẦN QUÂN
Địa chỉ: Kp 5, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước
Liên hệ quảng cáo: 0986.594.211 - 0916.921.160