Quá tiếc! HLV Trần Minh Chiến không nén được tiếng thở dài khi đoàn quân áo đỏ phải dừng bước ở vòng đấu bảng tại vòng chung kết U20 châu Á vào chiều 7-3.
Các cầu thủ U20 Việt Nam (áo đỏ) cần được rèn luyện nhiều hơn ở môi trường bóng đá trong nước
Và đây là những trăn trở của ông sau trận thua của U20 Việt Nam trước Iran:
“Vẫn như các giải đấu trước, cầu thủ trẻ Việt Nam luôn thể hiện được sự ngoan cường, khát khao chiến thắng. Kết quả của ba trận đấu vừa rồi tại giải đấu châu lục này chắc chắn sẽ là hành trang bổ ích để các em tiến xa hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, để có được những bước tiến vững chắc trên con đường bóng đá chuyên nghiệp, theo tôi các cầu thủ trẻ cần phải có nhiều yếu tố kèm theo. Trước tiên là việc họ phải được thi đấu, được cọ xát nhiều hơn qua các giải trẻ, qua các trận đấu ở giải hạng nhất hay V-League.
Tôi thật sự cảm phục sự lăn xả, nhiệt tình của lứa cầu thủ trẻ này, đặc biệt là Khuất Văn Khang, Quốc Việt. Là những tài năng thật sự. Nhưng thử hỏi trong hai mùa qua, họ chơi được bao nhiêu phút ở V-League? Có quá nhiều tài năng trẻ đã tạo được dấu ấn ở Đông Nam Á, châu Á nhưng khi quay lại CLB luôn phải đóng vai trò dự bị.
Còn nhớ, năm 1986, cựu tuyển thủ Hữu Đang khoác áo đội Phú Khánh ra sân ở Giải vô địch quốc gia khi mới hơn 16 tuổi. Hay gần đây là Quang Hải trình làng ở V-League cùng CLB Hà Nội ở tuổi 19. Thua U20 Iran là điều đáng tiếc nhưng đáng tiếc hơn là việc các tài năng không có môi trường để rèn luyện và trưởng thành.
Kế đến là câu hỏi từng làm day dứt nhiều người: Tại sao không mở ra nhiều sân chơi cho cầu thủ trẻ? Chẳng hạn bắt buộc mỗi CLB chuyên nghiệp phải có đội trẻ – nôm na là đội hình B – đi kèm ở mỗi mùa giải, để các em được đá mở màn ngay trước trận mà lớp đàn anh thi đấu.
Nếu cho rằng khó khăn về tài chính thì VFF, VPF vẫn có thể tổ chức cho các em đá tập trung tại một địa phương. Đội hình B không chỉ là cầu thủ trẻ mà còn là nơi để các cựu binh chơi bóng trong giai đoạn dưỡng thương, sa sút phong độ phải chuyển xuống đá hạng dưới. Đây là mô hình không mới, nhiều quốc gia đã áp dụng từ lâu. Chúng ta hoàn toàn có thể làm điều đó, bởi nằm trong tầm tay của mình.
Tại sao VFF và VPF không đề ra quy định mỗi CLB phải có ít nhất một cầu thủ dưới 21 tuổi đá trên sân trong suốt trận, hoặc chí ít phải là một hiệp? Hỏi bởi V-League có 14 đội, mỗi đội có 3 cầu thủ ngoại + một thủ môn + một cầu thủ nhập tịch và một cầu thủ Việt kiều vậy thì còn đâu chỗ cho lớp trẻ thi thố tài năng. Giải hạng nhất còn 10 CLB, cơ hội cho lứa trẻ chơi bóng chắc chắn sẽ còn mờ mịt hơn.
Không có cơ hội để cầu thủ trẻ thể hiện năng lực chuyên môn sẽ kéo theo sự nhụt chí từ các bậc phụ huynh lẫn cầu thủ trẻ. Bởi họ không nhìn ra được tương lai nếu cho con em mình đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp được bắt đầu từ các lò đào tạo trẻ, từ các lớp bóng đá cộng đồng hay từ các học viện bóng đã và đang nở rộ khắp cả nước.
Ông chủ CLB nào cũng muốn thành tích. HLV nắm bắt được tư tưởng ấy nên đa phần đều xếp những cựu binh ra trận. Đơn giản vì không có thành tích thì HLV trưởng phải ra đi – ở V-League – có lẽ chỉ mỗi mình đồng nghiệp Kiatsak (Hoàng Anh Gia Lai) là thoát được sự ám ảnh mất việc.
Không thay đổi từ việc nhỏ nhất là tổ chức thi đấu, giấc mơ có vé dự vòng chung kết World Cup mà bóng đá Việt Nam đang hướng đến có lẽ còn rất xa…”.
Nguồn: tuoitre.vn