Mặc dù nhu cầu được dự báo tăng nhưng nguồn cung cũng đang có dấu hiệu dồi dào.
Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 79,41 USD/thùng, giảm 0,44%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 85,73 USD/thùng, giảm 0,12% vào lúc 6h32 ngày 6/3 theo giờ Việt Nam.
Dự báo nhu cầu tại Trung Quốc sẽ tăng do triển vọng tích cực về kinh tế. Cụ thể, nhà phân tích Stephen Brennock của Công ty dịch vụ dầu mỏ PVM cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và đây là động lực tích cực cho giá dầu.
Giới đầu tư cũng tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng vọt sau khi đất nước 1,4 tỷ dân mở cửa trở lại. Theo dữ liệu mới nhất của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của Trung Quốc đã tăng lên 52,6 điểm trong tháng 2, vượt mốc 50 điểm và bước vào vùng tăng trưởng. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012, khi PMI đạt 53,5 điểm.
Báo cáo hàng tuần từ EIA cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ (không bao gồm dầu trong kho dự trữ dầu mỏ chiến lược) đã tăng 1,2 triệu thùng lên 480,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/2, cao hơn 9% so với mức trung bình 5 năm vào thời điểm này trong năm.
Lượng dầu thô đầu vào của nhà máy lọc dầu ở Mỹ đạt trung bình 15 triệu thùng/ngày, giảm 31.000 thùng/ngày so với mức trung bình đã được ghi nhận. Tuần trước, các nhà máy lọc dầu đã hoạt động hết 85,8% công suất.
Sản lượng xăng tăng trong tuần trước, trung bình 9,7 triệu thùng mỗi ngày. Sản xuất nhiên liệu chưng cất giảm, trung bình 4,6 triệu thùng/ngày.
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 6/3 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
– Xăng E5RON92 không cao hơn 22.421 đồng/lít
– Xăng RON 95 không cao hơn 23.325 đồng/lít
– Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.255 đồng/lít
– Dầu hỏa không cao hơn 20.474 đồng/lít
– Dầu mazút không cao hơn 14.555 đồng/kg.
Theo 24h.com.vn