Dân gian truyền tai nhau cách chữa tiểu đường bằng rượu tỏi, rẻ tiền và nhiều tác dụng. Nhưng thực tế các chuyên gia cảnh báo rượu tỏi sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người muốn ‘chữa bệnh’.
Tỏi được chứng minh có khá nhiều tác dụng nhưng rượu tỏi chữa tiểu đường thì mới là “phương pháp dân gian” và nguy cơ biến chứng
Bà Nguyễn Thị P. (Hà Nội) bị bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Nghe nói ăn tỏi và uống rượu tỏi có tác dụng hạ đường huyết, chữa bệnh tiểu đường nên bà dùng hằng ngày.
Một lần đi kiểm tra đường huyết thấy giảm hẳn, tưởng do tác dụng của tỏi nên bà bỏ thuốc để ăn tỏi. Mới đây bà bị ngất xỉu, hôn mê phải nhập viện cấp cứu. Bác sĩ cho biết nguyên nhân là do bà không uống thuốc tiểu đường khiến đường huyết tăng quá cao.
Phương pháp chưa được nghiên cứu
Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết tỏi được các nhà khoa học chứng minh là có giá trị phòng chống bệnh tật rất tốt.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, tỏi có khá nhiều tác dụng như chống viêm, kháng khuẩn, kháng vi rút, hạ huyết áp, tăng sức co bóp cơ tim, chống rối loạn lipit máu, làm chậm quá trình vữa xơ động mạch, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư…, có thể can thiệp hữu hiệu vào các nhóm bệnh như thấp khớp, tim mạch, phế quản, tiêu hóa, trĩ…
Theo y học cổ truyền, tỏi vị cay, tính ấm, có công dụng hành trệ khí (làm khí được lưu thông), noãn tỳ vị (làm ấm tỳ vị), tiêu tích, giải độc và sát trùng, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), đau bụng do lạnh, tiêu chảy, kiết lỵ, bách nhật khái (ho gà), ngược tật (sốt rét), mụn nhọt, vết thương do côn trùng và rắn cắn…
Tuy nhiên với rượu tỏi được lưu truyền trong dân gian để chữa nhiều bệnh, nhưng cho đến nay chưa hề có công trình nghiên cứu nào khẳng định giá trị đích thực của nó. Hơn nữa, công thức rượu tỏi nguyên bản không ai xác định được một cách chính xác. Vì vậy, tốt nhất thay vì uống rượu tỏi nên ăn 2 tép tỏi mỗi ngày.
Bác sĩ Yên Lâm Phúc, Bệnh viện Quân y 103, cho biết theo một số công trình nghiên cứu mới nhất, tỏi có tác dụng làm hạ đường huyết. Công dụng này có được nhờ vào một số hoạt chất sinh học có trong tỏi như Allicin.
Nhưng không phải loại tỏi nào cũng có nhiều chất này mà chỉ có ở tỏi đen, và cũng không phải dùng dạng nào cũng có được tác dụng này (phải dùng dạng chiết xuất với nồng độ cao).
Vì thế, việc ăn tỏi làm hạ đường huyết về mặt lý thuyết là có nhưng về mặt thực tế thì không, vì không ai có thể ăn rất nhiều tỏi đúng với liều nghiên cứu.
Hại mắt, can, thận và nhiều người gặp biến chứng
Bác sĩ Yên Lâm Phúc khuyên không nên dùng rượu tỏi chữa tiểu đường vì rượu là một loại đồ uống cấm kỵ với bệnh này, cho dù là rượu thuốc. Rượu làm tăng khả năng đề kháng insulin, làm tăng nguy cơ bị bệnh và tăng mức độ bệnh. Rượu cũng làm tăng biến chứng của bệnh như mờ mắt, đục thủy tinh thể, xơ cứng động mạch võng mạch.
Cho nên sử dụng rượu tỏi cho người bệnh đái tháo đường rất không có lợi. Việc xác định uống 10ml rượu có hại hay không cần xác định thêm các yếu tố và bệnh lý đi kèm như: tình trạng nghiện rượu, bệnh gan (viêm gan), tình trạng mỡ máu và dạ dày…
PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương, khẳng định rượu tỏi không có tác dụng trị bệnh tiểu đường.
Người ta cho rằng tỏi có tác dụng trị tiểu đường cũng giống như ổi và trà xanh, là do trong các thực phẩm này có chứa chất chát, cay, đắng (dạng tanin), khi sử dụng làm niêm mạc ruột săn lại, ngăn chặn đường máu nên giúp hạ đường huyết.
“Đó là quan điểm sai lầm và thực tế có rất nhiều bệnh nhân bị các biến chứng rất nặng nề như: nhiễm trùng, cắt cụt chi, suy thận, tim mạch, huyết áp, mờ mắt, viêm đa dây thần kinh ngoại biên… do dùng các bài thuốc dân gian theo mách bảo”, ông Bình nói.
Vì vậy, đối với bệnh tiểu đường, cần phải được xét nghiệm và chẩn đoán đúng, không chỉ dựa trên kết quả xét nghiệm đường huyết một lần mà kết luận bị bệnh hoặc khỏi bệnh được. Đái tháo đường là bệnh phải điều trị cả đời bằng thuốc, chế độ ăn và chế độ luyện tập.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, khuyên: Tỏi thông âm dương khí, nếu ăn quá nhiều khí sẽ thoát ra ngoài, nhất là dương khí. Nếu dương khí bị thoát ra ngoài nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là gây viêm đường ruột thể co thắt.
Ngoài ra, tỏi cũng có thể gây phản ứng phụ nên những người có hội chứng âm hư, đang có thai, người có thể tạng nhiệt, đang nóng sốt, nhiễm trùng chân răng, viêm xoang, đau mắt, mũi, răng cổ lưỡi không nên dùng.
Tỏi cũng có thể gây dị ứng làm ngứa ngáy, nổi mẩn ở một số người. Nếu dùng tỏi quá nhiều sẽ làm tổn đến can thận, tinh khí kém, mờ mắt.
Nguồn: tuoitre.vn