Các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Netflix… có thế mạnh về nguồn lực, tài chính, nên thu hút lượng người dùng và lấy mất thị phần quảng cáo của báo chí, khiến có những đơn vị báo chí giảm 60-70% doanh thu.
Tại Diễn đàn kinh tế báo chí toàn quốc 2023 mới đây, đại diện Đài truyền hình TP.HCM (HTV) nêu lên một số thách thức của báo chí trong thời đại đa truyền thông.
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Trưởng Ban Tổ chức – Đào tạo HTV cho rằng, sự xuất hiện của các nền tảng số như Facebook, TikTok, YouTube, Netflix… không chỉ lấy mất người dùng của báo chí mà còn làm ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo.
Các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức trong bối cảnh các nền tảng số lên ngôi.
Theo ông Nguyễn Đức Quang, một trong những thách thức hiện nay là báo chí vừa phải thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, phổ biến các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, vừa phải đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên.
Trong bối cảnh phải cạnh tranh với các nền tảng số, báo chí phải tăng cường chi phí sản xuất để có sản phẩm chất lượng phục vụ độc giả. Bên cạnh đó cũng phải phân bổ nguồn thu vào các chương trình phục vụ mục đích tuyên truyền. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn cho các cơ quan báo chí hiện nay.
Trong khi đó, các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, Netflix… có thế mạnh về nguồn lực, tài chính, nên thu hút lượng người dùng đông đảo. Các nền tảng này cũng lấy mất thị phần quảng cáo của báo chí, khiến có những đơn vị báo chí giảm 60-70% doanh thu. Việc quảng cáo sụt giảm cộng với chi phí sản xuất chương trình tăng lên khiến báo chí rất khó cân đối nguồn thu.
Không chỉ vậy, trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Bộ TT&TT đã có các quy định hướng dẫn định mức kinh tế – kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình, tạo điều kiện cho các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện đặt hàng sản xuất chương trình. Tuy nhiên, thời gian qua, về cơ chế, chính sách đặt hàng, hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền chưa mạnh mẽ, trong khi, nguồn lực tài chính cho hoạt động của cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.
Về cơ cấu tổ chức, mặc dù được giao nhiệm vụ tự chịu trách nhiệm về bộ máy và tài chính nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, cơ quan báo chí vẫn phải thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật như Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công,.. với nhiều nội dung, mức chi, thể loại mua sắm, đầu tư bị hạn chế theo quy định.
Trong khi ngành truyền thông truyền hình phát triển ngày càng nhanh chóng, các văn bản pháp luật chưa bắt kịp với xu hướng thực tế nên ảnh hưởng đến các cơ hội cạnh tranh, đầu tư, nâng cấp công nghệ, làm giảm tính chủ động của các đơn vị báo chí trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt của lĩnh vực truyền thông.
Bên cạnh đó, các đơn vị báo chí tự chủ mặc dù vẫn phải đảm bảo sản xuất các chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị nhưng lại thiếu nhiều cơ chế hỗ trợ, vẫn phải thực hiện các quy định về thuế suất theo cơ chế doanh nghiệp, chưa được hỗ trợ về hành lang pháp lý để các cơ quan báo chí gia tăng nguồn thu và tái đầu tư vào sản xuất chương trình. Việc bị ràng buộc bởi các quy định khiến báo chí khó có mức đầu tư phù hợp cho việc sản xuất nội dung và trả lương cho cán bộ nhân viên, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.
Với những thách thức trên, ông Nguyễn Đức Quang đề xuất có chính sách đặt hàng hỗ trợ tuyên truyền; tạo hành lang pháp lý trong việc đầu tư, tài chính, lao động, thuế; điều chỉnh thuế suất thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí nói chung là 10%; có hành lang pháp lý để chuyển đổi số, cho phép cơ quan báo chí thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác liên doanh, liên kết để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư.
Nguồn: vietnamnet