Nhận định trên được các chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam” chiều 25-2, do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức.

Chính phủ đang quyết liệt gỡ vướng, cuối 2023 thị trường bất động sản ấm lên - Ảnh 1.

Các chuyên gia phân tích nhiều vấn đề về chính sách pháp lý, tín dụng liên quan thị trường bất động sản

Theo TS Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, kiêm chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, vướng mắc lớn nhất, cơ bản nhất đối với thị trường bất động sản là về cơ chế chính sách xuất hiện từ năm 2018, 2019.

Gần đây là các vướng mắc trong điều hành về chính sách tín dụng để chống đỡ vấn đề lạm phát và tỉ giá hối đoái.

Các vướng mắc chính sách làm bất động sản ngày càng khó khăn. Theo thống kê, nguồn cung vốn mới bơm vào thị trường bất động sản năm 2019 – 2020 giảm chỉ còn 20% so với 2018. Đến năm 2020 – 2021 còn khoảng 40% và năm 2022 giảm còn 20% so với năm 2018.

“Hiện nay có hàng nghìn dự án bất động sản (trị giá tương đương khoảng 30 tỉ USD) không thể “chạy” được vì vướng cơ chế chính sách. Trong giai đoạn 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, rất nhiều công trường, dự án ngừng hoạt động; doanh nghiệp mới xuất hiện không đáng kể…”, ông Đính nêu.

Đánh giá về động thái của Chính phủ trong việc xử lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, PGS Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – cho rằng Chính phủ vào cuộc rất quyết liệt.

Theo ông Thiên, thị trường bất động sản đang gặp vấn đề về cấu trúc, thị trường mất cân đối kéo theo thị trường tài chính, chính sách cũng có phần lệch, cần tái cấu trúc, xử lý các điểm nghẽn. Chính phủ cũng có cách tiếp cận mới để tháo gỡ điểm nghẽn chính sách cho thị trường bất động sản.

“Trong thời ngắn qua Thủ tướng đã ban hành 4 chỉ thị tháo gỡ từ lĩnh vực ngân hàng, các gói lãi suất, tài chính, gói 110.000 tỉ đồng…”, ông Thiên phân tích.

Phân tích thêm, TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – nhận định về cơ chế chính sách liên quan thị trường bất động sản gồm hai nhóm chính sách ngắn hạn và nhóm trung dài hạn đều đang được Chính phủ tháo gỡ.

Về ngắn hạn, Chính phủ quyết liệt tập trung tháo gỡ rào cản về pháp lý, giúp hàng trăm dự án được giải tỏa, kéo dòng tiền chảy theo, quan trọng là lấy lại niềm tin cho thị trường.

Tiếp theo về vấn đề vốn, hiện nay nóng nhất là về trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2023 và 2024 sẽ có khoảng 234.000 tỉ đồng trái phiếu đến hạn. Nếu các doanh nghiệp bất động sản không mua lại thì khoản nợ trái phiếu là rất lớn.

“Nhiều doanh nghiệp lớn đang rất vất vả đàm phán, thương lượng… để giải quyết trái phiếu đáo hạn, điển hình như Tập đoàn Novaland những ngày qua. Nghị định sửa đổi nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được gấp rút sửa đổi dù mới ban hành tháng 9-2022 sẽ tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phù hợp thực tiễn tình hình..”, ông Lực nói.

Nhóm thứ hai là về vốn tín dụng liên quan thị trường bất động sản cũng được Chính phủ tập trung tháo gỡ như giãn – hoãn nợ, tiếp tục giãn – hoãn thuế, tiền thuê đất…

Với hàng loạt điểm nghẽn về pháp lý, chính sách tín dụng được khẩn trương tháo gỡ, áp dụng trong thời gian tới, các chuyên gia nhận định từ quý 3-2023 trở đi thị trường bất động sản sẽ “ấm” lên và khởi sắc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : bắt động sảncơ chế chính sáchtrái phiếu

Các tin liên quan đến bài viết