Giới phân tích lo ngại việc Nga dừng hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân (New START) với Mỹ có thể chấm dứt kỷ nguyên kiểm soát lẫn nhau của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.

Sẽ ra sao khi Nga dừng hiệp ước hạt nhân với Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Thụy Sĩ năm 2021 

Việc kiểm soát lẫn nhau giữa Nga và Mỹ đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, sau đó là chiến sự ở Ukraine. Hôm 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này ngưng hiệp ước hạt nhân New START với Mỹ được coi là dấu hiệu thỏa thuận đang chết dần.

Nguy cơ bùng nổ hạt nhân

Ông Putin đã nói rõ Nga không rút khỏi New START, thỏa thuận hạt nhân cuối cùng giữa Nga và Mỹ có hiệu lực đến 2026, và Bộ Ngoại giao Nga sau đó cũng khẳng định không có ý định triển khai thêm vũ khí hạt nhân chiến lược.

Tuy nhiên, theo cây bút David Sanger của báo New York Times, khả năng Nga và Mỹ ngồi xuống đàm phán một hiệp ước thay thế là rất thấp trong bối cảnh hai nước căng thẳng về vấn đề Ukraine và cáo buộc lẫn nhau ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tuyên bố tham vọng xây dựng kho hạt nhân tương đương Mỹ, Nga. Các thanh tra quốc tế tìm thấy bằng chứng chương trình hạt nhân của Iran đang tiến triển nhanh, còn Triều Tiên cũng đẩy mạnh thử tên lửa.

“Mọi dấu hiệu đều cho thấy thế giới có thể sắp bước vào một kỷ nguyên bùng nổ hạt nhân mới”, ông Sanger nhận định, cảnh báo về cuộc chạy đua hạt nhân có thể xảy ra như cách đây nửa thế kỷ.

Jon Wolfsthal, cố vấn cấp cao của tổ chức Global Zero và từng làm việc cho ông Joe Biden khi ông còn là phó tổng thống Mỹ, lo ngại “với việc Nga phá vỡ các hiệp ước, Trung Quốc tăng cường sức mạnh, Triều Tiên thử tên lửa và Iran gần đạt được uranium cấp độ vũ khí, đây là thời kỳ tồi tệ cho sự ổn định và kiềm chế hạt nhân”.

Ngay cả trước khi ông Putin phát biểu, việc thực hiện hiệp ước New START mới đã gặp trở ngại nghiêm trọng. Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Nga đã không tuân thủ thỏa thuận. Ngược lại, Matxcơva cũng chỉ trích Washington không đáp ứng các yêu cầu thanh tra của mình.

Đến ngày 21-2, ông Putin đã nói rõ sẽ không cho phép các thanh sát viên kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Nga, bởi vì họ có thể chuyển thông tin cho Ukraine để tấn công tiếp theo.

“Chúng tôi biết rằng phương Tây có liên quan trực tiếp đến nỗ lực của chính quyền Kiev nhằm tấn công các căn cứ (của Nga)”, ông giải thích.

Trước đó, Matxcơva đã cáo buộc Ukraine sử dụng máy bay không người lái để tấn công các căn cứ không quân chiến lược của Nga có máy bay ném bom có thể phóng vũ khí hạt nhân.

Nga nói đã bắn hạ máy bay không người lái gần căn cứ không quân Angels ở Saratov vào cuối năm 2022 - Ảnh: REUTERS

Nga nói đã bắn hạ máy bay không người lái gần căn cứ không quân Angels ở Saratov vào cuối năm 2022 

Bế tắc tìm thỏa thuận mới

Mỹ đến nay vẫn có thể quan sát các kho vũ khí của Nga, chủ yếu thông qua vệ tinh theo dõi các chuyển động hạt nhân của Nga. Tuy nhiên có một lo ngại lớn hơn khi New START hết hiệu lực vào 2026.

Triển vọng khởi động đàm phán thỏa thuận mới dường như bế tắc vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, hai nước hầu như không liên lạc, nhất là khi nổ ra xung đột ở Ukraine, và đang mất niềm tin lẫn nhau.

Ông Biden và ông Putin đã không nói chuyện trực tiếp hơn một năm, và trong thời gian đó liên tục chỉ trích lẫn nhau. Một số quan chức Mỹ nói rằng dù hai nước có đàm phán thỏa thuận mới, chưa chắc nó đã được Quốc hội Mỹ thông qua trong tình cảnh này.

New START cũng không bao gồm các vũ khí hạt nhân chiến lược mà Nga đang dọa triển khai ở Ukraine. Cuối cùng, theo các chuyên gia, thỏa thuận cũng không còn “hợp thời” khi không bao gồm Trung Quốc, quốc gia có thể sở hữu đến 1.500 vũ khí hạt nhân trong hơn 10 năm tới. Trong khi đó, Bắc Kinh đến nay đã tỏ thái độ không hào hứng với New START.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn để mở cánh cửa đàm phán. Ngày 21-2, sau phát biểu của ông Putin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng ông sẵn sàng đàm phán một hiệp ước mới vì lợi ích an ninh của Mỹ và “về lợi ích an ninh của Nga”.

Ông Blinken cũng cho rằng Washington sẽ tuân thủ hiệp ước bất kể hành động của Nga. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta tiếp tục hành động có trách nhiệm trong lĩnh vực này. Đó cũng là điều mà phần còn lại của thế giới mong đợi ở chúng ta”, ông nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : MỹNgaUkraine

Các tin liên quan đến bài viết