Tròn một năm xung đột Nga – Ukraine, con đường đến hòa bình vẫn đầy chông gai. Khói lửa vẫn bủa vây khắp Ukraine, khắp nơi là cảnh hoang tàn và đổ nát, hàng chục ngàn người thương vong, hàng triệu dân lành phải rời khỏi đất nước.
Quân nhân Ukraine bịt tai khi khai hỏa một khẩu súng cối của Pháp về phía các vị trí Nga ở thành phố Bakhmut, đông Ukraine vào ngày 15-2-2023 –
“Khi các người tấn công Ukraine của chúng tôi, thứ mà các người nhìn thấy không phải là lưng của chúng tôi, mà là mặt của chúng tôi”.
Đó là những lời dõng dạc của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, vài giờ sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trên truyền hình vào sáng 24-2-2022 rằng Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Chiến dịch quân sự ồ ạt từ nhiều mũi đó được Matxcơva giải thích là để bảo vệ người dân ở Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng thuộc vùng Donbass.
Nga không thể đánh nhanh, thắng nhanh ở Ukraine
Vào ngày hôm đó, lực lượng trên bộ của Nga tấn công Ukraine từ bốn mặt trận chính ở phía bắc, đông bắc, đông và nam, trong khi pháo binh và tên lửa được sử dụng để tấn công nhiều địa điểm.
Lực lượng trên bộ của Nga tấn công Ukraine từ bốn mặt trận chính ở phía bắc, đông bắc, đông và nam vào ngày 24-2-2022
Trong những ngày đầu của cuộc chiến, chiến lược của Nga là kiểm soát thủ đô Kiev nhanh chóng, nhưng họ đã vấp phải sự kháng cự của Ukraine mạnh hơn nhiều so với dự đoán.
Một đoàn xe quân sự dài 64km của Nga nằm “chết dí” dọc theo đường cao tốc chính dẫn vào thủ đô Kiev đã trở thành biểu tượng cho thất bại quân sự của Nga trong giai đoạn này.
Sau đó, Nga chuyển hướng tấn công về phía nam. Tại đây, các lực lượng Nga đã chiếm được thành phố Mariupol sau cuộc bao vây tàn khốc, nhằm bảo đảm một hành lang dọc theo Biển Đen để nối bán đảo Crimea và vùng Donbass.
Tuy nhiên, vào cuối mùa hè và sang mùa thu, các lực lượng Ukraine đã đánh trả bằng cuộc phản công kịch tính, đánh bật lực lượng Nga khỏi các khu vực phía nam và phía đông Ukraine, đồng thời giải phóng thành phố chiến lược Kherson.
Kể từ đó, không bên nào đạt được các bước tiến đáng kể. Nga tiếp tục gây áp lực bằng cách giội mưa tên lửa và dùng máy bay không người lái (drone) tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.
Họ cũng dính vào cuộc chiến kéo dài nhiều tháng để kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, nhưng tạo ra rất ít sự khác biệt trên bản đồ chiến thuật.
Tuần trước, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá cuộc tấn công mùa xuân của Nga – vốn đã được dự đoán trước – đã bắt đầu. Ukraine cũng dự kiến thực hiện một cuộc phản công trong những tuần tới.
Một đứa trẻ tị nạn rời khỏi Ukraine dùng tay tạo hình trái tim yêu thương trong lúc chờ tại nhà ga Nyugati ở Budapest (Hungary) vào ngày 28-2-2022, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine
Trong năm qua, Nga đã kiểm soát được một số thành phố và cảng chiến lược, còn Ukraine nỗ lực giành lại các phần lãnh thổ và đẩy lùi các cuộc tấn công mới của Nga.
Không bên nào cho thấy được họ có thể giành chiến thắng quân sự hoàn toàn, còn tiến triển trên bàn đàm phán dường như không khả dĩ. Đối với những người dân bị mắc kẹt trong làn đạn, điều đó đồng nghĩa máu đổ và đau khổ kéo dài.
Và cũng không bên nào trong cuộc chiến công bố số liệu thương vong gần đây, nhưng các nhà phân tích ước tính khoảng 200.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến cho đến nay.
Trong khi đó, Ukraine đã chứng kiến khoảng 100.000 người thiệt mạng hoặc bị thương trong chiến đấu, và 30.000 dân thường thiệt mạng, theo Đài NPR.
Cả Ukraine và Nga đã phải chịu sự suy giảm kinh tế đáng kể kể từ khi cuộc chiến nổ ra. Khoảng 40% cơ sở hạ tầng của Ukraine đã bị phá hủy, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ukraine giảm 33% trong năm 2022.
Còn Bộ Tài chính Nga báo cáo thu ngân sách hằng năm của nước này giảm 35% vào năm 2022, trong khi chi tiêu tăng 59%. Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Matxcơva.
Nga và Ukraine đều không nhượng bộ
Đến nay không có dấu hiệu thực sự nào về một lối thoát cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đều không cho thấy dấu hiệu sẽ lùi bước ở một trong những cuộc xung đột quân sự lớn nhất kể từ khi sau Thế chiến 2.
Ông Samuel Charap, nhà khoa học chính trị cao cấp tại tổ chức RAND, nhận định: “Sự thù địch giữa Nga và Ukraine có thể khiến cuộc xung đột này tiếp diễn trong một thời gian dài”.
Các nhà phân tích nhìn chung đều đồng ý rằng hiện nay Nga và Ukraine khó đạt được thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến.
Với Tổng thống Putin, việc bị coi là nhượng bộ và rút lui dễ dàng khỏi cuộc chiến – mà chính ông đã khởi động và cũng theo ông là có thể dễ dàng giành chiến thắng – là điều khó chấp nhận.
Các trận đánh chính tại Ukraine trong một năm qua
Giáo sư lịch sử Vladislav Zubok tại Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh) bình luận rằng về mặt chính trị, ông Putin cũng không thể ký một thỏa thuận được hai bên tiến hành đàm phán, nếu điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào.
Ông Mikhail Alexseev – giáo sư khoa học chính trị tại Đại học San Diego (bang California, Mỹ) và hiện đang nghiên cứu về cuộc chiến ở Ukraine – nhận xét “bất kỳ hình thức ngừng bắn nào mà không có sự thất bại quân sự của Nga” đều có thể dẫn tới các cuộc tấn công tiếp theo, bởi vì về cơ bản họ sẽ vẫn tái tập hợp lực lượng để mở cuộc tấn công mới.
Đối với Tổng thống Zelensky, việc nhượng bộ cũng là điều không thể chấp nhận. Một cuộc khảo sát với người Ukraine vào tháng 9-2022 cho thấy họ kiên định từ chối nhượng bộ lãnh thổ cho Nga.
Ông Alexseev nhận định Kiev coi bất kỳ thỏa thuận nào có điều khoản nhượng bộ lãnh thổ cho Matxcơva đều là “mối đe dọa hiện hữu”.
Còn ông Serhii Plokhy, giáo sư về lịch sử Ukraine tại Đại học Harvard (Mỹ), khẳng định: “Người Ukraine khó có thể chấp nhận một lập trường hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước”.
NATO can dự sâu vào chiến sự Ukraine?
Thời gian qua các nước thành viên liên minh quân sự NATO đã tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine. Điện Kremlin nói rằng NATO – do Mỹ đứng đầu – ngày càng thể hiện thái độ thù địch với Nga và ngày càng can dự nhiều hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine.
“NATO là một tổ chức thù địch với chúng tôi và họ thể hiện sự thù địch này hằng ngày. Họ đang cố gắng hết sức để làm cho sự can dự của họ vào cuộc xung đột quanh Ukraine trở nên càng rõ ràng càng tốt” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu hôm 14-2.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thể hiện sự đoàn kết và nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Dù cam kết cung cấp xe tăng, đạn pháo… nhưng NATO đến nay không có kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại cho Kiev.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz còn nói rằng một trong những mục tiêu chính của ông là tránh để NATO bị lôi kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga.
Nguồn: tuoitre.vn