Quả chuối Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Một địa phương năm nay dự kiến xuất khẩu trên 500.000 tấn chuối sang thị trường này.
Rút ngắn thời gian đưa chuối Việt Nam sang Trung Quốc
UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ NN-PTNT ngày 22/2 tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm 2023.
Theo Sở NN-PTNN tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 13.149ha đất trồng chuối, đứng đầu cả nước, chiếm tỷ lệ 8,53%. Đây cũng là địa phương đứng đầu về số lượng mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với 30 vùng trồng, tổng diện tích 5.669ha (chiếm 43% diện tích chuối của tỉnh).
Hiện, năng suất chuối trung bình tại Đồng Nai là khoảng 40-45 tấn/ha, thu nhập bình quân 1 ha trồng chuối sau khi trừ các chi phí vào khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Trong năm 2022 và đầu năm 2023, có 29 cơ sở đóng gói và 21 vùng trồng chuối tại địa phương này được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhờ đó, Đồng Nai đã xuất khẩu được trên 400.000 tấn chuối. Năm nay, con số xuất khẩu dự kiến là trên 500.000 tấn. Thị trường tiêu thụ chuối là các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.
Chuối tươi Việt Nam đang được ưa thích tại thị trường Trung Quốc
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, ông Ngụy Hoa Tường nhận xét, trái chuối tươi tại Đồng Nai rất ngon. Chuối xuất khẩu đạt tiêu chuẩn kiểm dịch, giúp người dân Trung Quốc được thưởng thức những quả chuối chất lượng, an toàn, còn người dân Việt Nam cũng nâng cao thu nhập từ trồng chuối.
Cũng theo ông Tường, người dân Trung Quốc rất thích ăn chuối tươi nên đây là thị trường tiềm năng. Phía nước bạn sẵn sàng giúp đỡ các nông hộ, công ty kinh doanh để cùng thúc đẩy hợp tác, quảng bá thương hiệu chuối tươi Việt Nam tại thị trường tỷ dân.
“Nếu xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang tỉnh Sơn Đông, quê hương tôi, thì mất 6 ngày qua đường hàng hải. Tôi đang nỗ lực thúc đẩy, rút ngắn thời gian để nhiều chuối tươi chất lượng được xuất khẩu sang Sơn Đông. Tôi tin, thương hiệu chuối tươi Việt Nam sẽ nổi tiếng tại Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung”, ông nói.
Cửa rộng mở, nhưng cần tuân thủ luật chơi
Thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho thấy, 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã chi 213,4 triệu USD để nhập khẩu quả chuối từ Việt Nam, tăng 49,2% so với cùng kỳ. Riêng quý III/2022, Việt Nam vượt qua Philippines trở thành nhà cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc.
Bà Liêu Kiều, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Kelly Swangle, đơn vị đàm phán với các nhà mua hàng quốc tế, nhận định, 3-5 năm trở lại đây, trái chuối Việt Nam xuất qua thị trường Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh mạnh với Philippines, nông sản này đang dần chiếm lĩnh thị trường 1,4 tỷ dân.
Tuy nhiên, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài không dễ, từ khâu sản xuất, bảo quản, thị trường, thanh toán. Cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu địa phương, như vậy mới nâng cao được hình ảnh sản phẩm Việt. Khi đã có thương hiệu, giá sẽ ổn định và tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư tốt hơn, bền vững hơn.
Do đó, bà Kiều cho rằng, mối liên kết giữa nông dân, nhà sản xuất, đơn vị thương mại là rất cần thiết. Doanh nghiệp hãy coi nông dân là đồng minh, cùng đi trên một con thuyền, cùng có một giá trị, mục đích đồng nhất để hướng tới.
Tháng 11/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo đó, các quy chuẩn trong xuất khẩu chuối được chuẩn hóa, giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt một cách rõ ràng, minh bạch. Các sản phẩm đảm bảo chất lượng được thông quan nhanh chóng hơn.
Ông Lê Viết Bình, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, cho hay, cánh cửa đang mở rộng cho trái chuối nói riêng và các mặt hàng nông sản Việt Nam. Nhưng, cánh cửa đó có thể đóng lại bất cứ lúc nào nếu chúng ta không tuân thủ luật chơi thương mại quốc tế, luật chơi được thể hiện rất rõ, nghiêm ngặt qua 8 điều của Nghị định thư đã ký.
Nguồn: vietnamnet