Tại Việt Nam, thời gian gần đây có nhiều thông tin cảnh báo về các ca ngộ độc ma túy ở thanh thiếu niên liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) nhập lậu.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM
Được biết, các trường hợp ngộ độc được đề cập đều liên quan đến loại TLĐT dùng một lần (Disposable e-cigarette) hoặc TLĐT hệ mở (open system). Với TLĐT hệ mở, người dùng có thể tuỳ ý pha thêm tinh dầu, thậm chí chất cấm vào để sử dụng, vốn không thể thực hiện được đối với thuốc lá làm nóng (TLLN) hoặc TLĐT hệ đóng (closed system).
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM – đã có chia sẻ về vấn đề này.
Từ góc nhìn y tế
Hơn 30 năm làm việc ở chuyên ngành hô hấp, tôi chứng kiến khá nhiều bệnh nhân COPD và các bệnh phổi khác gây ra bởi hút thuốc lá nhưng họ không thể cai được, dù lúc nào sau khi thăm khám và chẩn đoán mắc bệnh, điều đầu tiên tôi làm là khuyên bệnh nhân cai thuốc lá.
Cai thuốc lá là biện pháp điều trị không dùng thuốc rất rất quan trọng vì mang lại nhiều lợi ích: khi ngưng thuốc lá bệnh nhân sẽ thấy dễ thở hơn, điều trị thuốc sẽ có hiệu quả hơn rõ do khói thuốc lá không còn tác động trực tiếp vào đường thở bị bệnh do chính khói thuốc lá. Về lâu dài, cai thuốc lá sẽ giảm được đợt cấp, làm chậm lại sự suy giảm nhanh của chức năng phổi, nhất là những người COPD trong giai đoạn đầu (thường chức năng phổi của họ giảm rất nhanh nếu tiếp tục hút thuốc).
Ngoài ra, người chưa bị COPD hay ung thư phổi nhưng có nguy cơ cao sẽ có nguy cơ nếu như tiếp tục hút thuốc lá, như người trong giai đoạn tiền COPD hay trong gia đình có người COPD hay ung thư…
Tôi khuyên bệnh nhân mình bỏ hút thuốc và gửi họ đến trung tâm tư vấn cai thuốc lá. Có những bệnh nhân lúc đầu tuân thủ tốt, nhưng sau đó vẫn tái hút lại vì nghiện. Cũng có những bệnh nhân… trốn luôn bác sĩ không dám quay lại tái khám vì sợ bác sỹ la rầy, cho đến khi bệnh trở nặng mới quay lại tìm để chữa bệnh.
Hầu hết các bệnh nhân đều nói với tôi là rất khó cai thuốc lá, hoặc có người lạc quan tếu, “thưa bác, tôi đã bỏ được… 10 lần rồi”.
Có hai yếu tố làm người ta lệ thuộc vào thuốc lá: lệ thuộc chất nicotine, và lệ thuộc tâm lý là do nghiện hành vi cầm, nắm, hút, rít điếu thuốc, hoặc do áp lực cuộc sống cũng là thứ khiến họ khó bỏ thuốc lá.
Trong thực tế, các biện pháp giúp cai thuốc lá là một biện pháp cực kỳ quan trọng đối với ngành y tế và luôn được ưu tiên hàng đầu nhất là những người đã bị bệnh do thuốc lá. Để cai thuốc thành công, tôi cho rằng cần có sự tuyên truyền, giáo dục lặp đi lặp lại một cách có hệ thống, kiên trì bền bỉ thường xuyên. Không chỉ người hút thuốc mà những người thân trong gia đình cũng phải được tư vấn các biện pháp cai thuốc để họ động viên, khích lệ trở lại người thân cai thuốc lá.
Biện pháp giảm hại, nên không?
Tôi không bao giờ ủng hộ hút thuốc lá, nhưng với những người không cai được thuốc lá, nên chăng có nhiều hơn một lựa chọn.
Trong y khoa hay cuộc sống, cách tiếp cận giảm tác hại gần như là được áp dụng đối với mọi loại bệnh, không phải chỉ liên quan tới COPD, tim mạch hay ung thư phổi. Giảm tác hại dĩ nhiên là vẫn chưa triệt tiêu được hết các yếu tố gây hại, nhưng trong tình thế thì chúng ta cần áp dụng để cung cấp giải pháp thay thế. Nguyên lý của các giải pháp này chính là triệt tiêu phản ứng đốt cháy trong sản phẩm, hàm lượng các chất độc hại sản sinh qua quá trình đốt cháy có giảm.
Bất kỳ phương pháp thay thế nào cũng có thể có mặt trái. Do đó, điều cần làm vẫn là giáo dục thay vì cấm đoán. Càng cấm là càng thất bại trong quản lý, đó là bài học thuộc lòng từ xưa tới nay. Chỉ cần định hướng rõ ràng chúng ta có thể vận dụng linh hoạt và có thể học hỏi những cái lợi/hại mang lại của biện pháp giảm tác hại từ các nước đã đi trước.
Từ thực tiễn và kinh nghiệm, tôi thấy rằng nếu bệnh nhân COPD hay tim mạch, ung thư mà ngưng được thuốc lá thì sẽ rất tốt, và luôn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Nhưng nếu không thể cai, có thể cân nhắc chuyển họ sang giải pháp giảm tác hại. Đó sẽ là một cách tiếp cận hợp lý về mặt y khoa, vì sức khỏe của bệnh nhân và lớn hơn là lợi ích của cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.vn