Nam giới 40 tuổi có nên làm xét nghiệm máu để phòng ngừa ung thư tiền liệt tuyến không? Dấu hiệu sớm của bệnh ra sao?

Tôi năm nay 40 tuổi. Tôi nghe nói bệnh ung thư tiền liệt tuyến đang trẻ hóa, nhiều người mắc, được khuyên đi xét nghiệm phòng ngừa bệnh này nhưng chưa biết làm những gì? Thưa bác sĩ, bệnh này có những dấu hiệu sớm nào và nếu mắc bệnh thì tiên lượng sống ra sao?

PGS.TS Đỗ Trường Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), trả lời:

Theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), mỗi năm có thêm hơn 1,1 triệu ca ung thư tiền liệt tuyến, chiếm 7,9% tổng số ung thư các loại. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 chỉ sau ung thư phổi, chiếm 15% tổng số các ung thư nam giới.

Bệnh lý ung thư về tiết niệu, bàng quang, tuyến tiền liệt ngày càng có xu hướng tăng hơn so với bệnh lý về tiết niệu thông thường. Tỷ lệ mắc tiền liệt tuyến ở độ tuổi dưới 50 là khoảng 30-40%, hơn 50 tuổi là khoảng 50% và ở tuổi 70 là 70%.

Nam giới từ độ tuổi từ 40 trở đi cần quan tâm và khám sức khỏe nam khoa định kỳ, bước vào độ tuổi 50 cần làm xét nghiệm định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) để phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Bệnh viện Việt Đức giải thích về bệnh lý tiền liệt tuyến cho bệnh nhân. 

Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu thường không rõ ràng hoặc có biểu hiện tương tự u phì đại lành tính. Ngoài ra, người bệnh có những triệu chứng cảnh báo như: tiểu nhiều lần, tiểu vội, tiểu són.

Các triệu chứng chèn ép cũng dễ gặp như tiểu khó, phải rặn, rớt nước tiểu sau cùng, tiểu không hết. Nặng hơn có thể gặp bí đái hoàn toàn hay không hoàn toàn, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiểu ra máu.

Nếu không phát hiện sớm, ở giai đoạn muộn, bệnh có các biểu hiện của di căn ung thư là rối loạn tiểu tiện do u xâm lấn vùng cổ bàng quang và xâm lấn lỗ niệu quản; Di căn xương gây đau nhức xương. Nếu di căn cột sống có thể gây chèn ép tủy, gây liệt chi, rối loạn cơ tròn; Di căn hạch chậu, gây phù chân; Xuất tinh ra máu nếu di căn túi tinh.

Định lượng kháng nguyên tuyến tiền liệt (PSA) là xét nghiệm máu quan trọng giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến. Siêu âm, đặc biệt qua trực tràng phát hiện các nhân K trong tuyến tiền liệt và sinh thiết xác định ung thư tuyến tiền liệt. Chụp cộng hưởng từ (MRI) phát hiện rõ hơn các nhân K trong tuyến tiền liệt; xạ hình xương phát hiện ung thư tuyến tiền liệt di căn xương.

Về điều trị, với việc xác định chính xác tình trạng của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị và phù hợp để đem lại kết quả cao. Với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn khu trú, 80% trường hợp có khả năng sống thêm 10 năm sau khi phẫu thuật và xạ trị.

Cắt tuyến tiền liệt tận gốc và nạo vét hạch là phương pháp tối ưu, áp dụng tốt nhất ở các bệnh nhân ung thư giai đoạn khu trú, thời gian kỳ vọng sống thêm trên 10 năm và không có bệnh kèm theo như: tim mạch, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não…

Ngoài ra, phương pháp này được áp dụng với bệnh nhân ung thư nhưng chưa di căn hạch. Tuy nhiên, thực tế khoảng 2-4% bệnh nhân đã có di căn hạch chậu vẫn có thể được cắt tuyến tiền liệt tận gốc.

Một số tiêu chí khác được áp dụng để lựa chọn phương pháp điều trị này như điểm Gleason từ 8 điểm trở xuống, và chỉ số PSA dưới 20 ng/ml.

Điều trị tạm thời, bệnh nhân có thể được cắt u nội soi qua đường niệu đạo hoặc dẫn lưu bàng quang, kèm cắt tinh hoàn khi không còn chỉ định điều trị tối ưu.

Bệnh nhân có thể điều trị phối hợp như điều trị nội tiết, áp dụng chủ yếu với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị tiệt căn. Xạ trị ngoài vào vùng chậu hoặc xạ trị khu trú vào tuyến tiền liệt cũng là phương pháp được áp dụng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : điều trị bệnh ung thư điều trị bệnhung thư tuyến tiền liệt

Các tin liên quan đến bài viết