Cùng VietNamNet điểm lại những vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản thời gian qua, bằng những con số cụ thể mà các bên vừa gửi đến hội nghị trực tuyến toàn quốc về thị trường bất động sản (BĐS) do Thủ tướng chủ trì hôm qua (17/2).
Khan hiếm nguồn cung, giữ giá cao
Về nguồn cung bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc nhà ở trung – cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.
(Biểu đồ
Số liệu thống kê cho thấy, cơ cấu sản phẩm BĐS bình dân giảm từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% trong năm 2022.
Số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, năm 2022, cả nước có 126 dự án với hơn 55.700 căn hộ được cấp phép bằng khoảng 52,7% so với năm 2021; có 466 dự án với hơn 228.000 căn hộ đang được triển khai bằng 47,7% so với năm 2021; 91 dự án đã hoàn thành với hơn 18.000 căn hộ bằng khoảng 55,2% so với năm 2021.
Trong khi đó, cả năm 2022, chỉ có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với hơn 5.520 căn hộ.
Sự lệch pha cung – cầu, nhất là nhà ở vừa túi tiền là thực tế thị trường bất động sản trong vài năm qua khiến giấc mơ an cư ngày càng xa vời với nhiều người dân
Về giá giao dịch BĐS, theo Bộ Xây dựng, nhìn chung trong năm 2022, giá bất động sản liên tục tăng trong quý I và quý II; quý III chững lại; quý IV có điều chỉnh giảm ở một số dự án nhưng không nhiều. Hầu hết vẫn giữ ở mức cao đã thiết lập cuối quý II.
Thị trường BĐS trầm lắng khi sức tiêu thụ các tài sản trên cả thị trường sơ cấp (chủ đầu tư lần đầu mở bán) lẫn thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) đều
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, BĐS đang có sự lệch pha, cơ cấu sản phẩm trên thị trường lại phát triển mất cân đối. Nhà có giá vừa túi tiền, mức giá khoảng từ 30 triệu/m2 trở xuống hoặc nhà ở xã hội đều rất thiếu. Như ở TP.HCM, năm 2020 chỉ có 1% nhà ở là giá vừa túi tiền, năm 2021 đến nay, không có nhà ở thương mại nào có giá vừa túi tiền.
“Trong khi đó, tỉ lệ nhà ở cao cấp liên tục gia tăng. Vừa thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu hụt nhà ở giá vừa túi tiền nên giá nhà bị đẩy lên mức rất cao. Nhà ở xã hội hiện có những căn giá lên tới 25 triệu/m2, trong khi trước đây mục tiêu chỉ ở mức 15 triệu/m2. Còn nhà ở thương mại, như ở TP.HCM, hiện tìm căn giá dưới 35 triệu là không ra, thậm chí có những nhà siêu sang, được đẩy giá lên tới 500-700 triệu đồng/m2.” – ông Châu nói.
Nợ vay bất động sản hơn 1,2 triệu tỷ đồng; áp lực trả nợ lớn
Liên quan đến nguồn vốn tín dụng vào BĐS, tính đến hết 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh BĐS là gần 800.000 tỷ đồng.
Còn dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng (tính đến 25/12/2022), trong đó của doanh nghiệp BĐS là trên 400.000 tỷ đồng, chiếm trên 30%.
(Biểu đồ
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là 55.989 tỷ đồng, đáo hạn năm 2023 là hơn 282.000 tỷ đồng, năm 2024 là hơn 362.000 tỷ đồng. Trái phiếu đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng (chiếm 38,19% tổng giá trị trái phiếu đến hạn, trong đó 99,6% có tài sản đảm bảo).
Bộ Xây dựng đánh giá, việc đến hạn trả nợ là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS trong thời gian tới.
Trong khi đó, không chỉ doanh nghiệp mà cả khách hàng mua BĐS cũng rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng
Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng gặp khó, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 9/2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 133.314 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 95,21% khối lượng mua lại cả năm 2021. Trong đó, các tổ chức tín dụng là nhóm mua lại với khối lượng lớn nhất (58.389 tỷ đồng), tiếp theo là nhóm bất động sản (29.207 tỷ đồng).
Số doanh nghiệp địa ốc phá sản tăng gần 40%
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2022, có 1.194 doanh nghiệp bất động sản giải thể, nhiều hơn so với thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát. Cụ thể số doanh nghiệp giải thể qua từng năm 2021, 2020 2019 lần lượt là 861, 978 và 686 doanh nghiệp.
(Biểu đồ
Doanh nghiệp môi giới BĐS cũng lâm vào cảnh khó khăn, lỗ nặng trong quý IV/2022.
Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (DXS), mảng môi giới mang về cho DXS doanh thu 2.340 tỷ đồng trong năm 2022, giảm 21% so với năm trước. Luỹ kế năm 2022, doanh thu của DXS đạt 4.096 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 319 tỷ đồng, giảm 41% so với năm trước.
Biểu đồ
Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (NRC), năm 2022, doanh thu hoạt động môi giới chỉ đạt 28 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước. Doanh thu chung đạt 194 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước.
Trước những khó khăn, một số doanh nghiệp môi giới đã phải cắt giảm nhân sự. DXS cắt giảm nhân sự từ 6.380 nhân viên xuống còn 3.340 nhân viên trong quý IV/2022.
Trong khi đó, khó khăn cũng buộc Khải Hoàn Land phải đóng cửa một số chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nha Trang, Cần Thơ.
“TẤT CẢ CHỦ THỂ PHẢI CÙNG XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ, CÁC DOANH NGHIỆP BẤT ĐỘNG SẢN PHẢI CÓ TRÁCH NHIỆM VỚI CHÍNH MÌNH, GIẢI QUYẾT CÁC KHÓ KHĂN DO CHÍNH MÌNH GÂY RA, KHÔNG AI GIẢI CỨU CHO AI”, THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH PHÁT BIỂU TẠI HỘI NGHỊ NGÀY 17/2.
Nguồn: vietnamnet