Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa 2017 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 12-6-2017 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. So với các quy định trong Nghị định 56/2009/NĐ-CP, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa đó có nhiều điểm khác biệt về cách hiểu, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc những điểm mới giữa Luật Hỗ tợ doanh nghiệp nhỏ và vừa so với quy định hiện hành.
Vế khái niệm: Trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa 2017 quy định bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng 1 trong 2 tiêu chí sau: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, các yếu tố này chỉ áp dụng vào việc xác định các loại DN này hoạt động trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Các yếu tố để xác định DN nhỏ và vừa: Tổng số lao động; Tổng nguồn vốn hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề; Lĩnh vực hoạt động.
Mức trần để xác định DN nhỏ và vừa: Tổng số lao động không quá 200 người. Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ (tùy lĩnh vực hoạt động xác định): Hỗ trợ tiếp cận tín dụng; Hỗ trợ thuế, kế toán; Hỗ trợ mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; Hỗ trợ mở rộng thị trường; Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực.
Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa: Là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Quỹ này có chức năng: Cấp bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa.
Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa: Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Quỹ này có chức năng: Cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
PV