11 tuổi, tám năm bán vé số, biết bao nỗi niềm từ đứa trẻ có cha mẹ mà bỗng chốc mồ côi. Ra khỏi lớp học lại lao vào cuộc đời dù em như một chiếc chồi non có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.
11 tuổi, cô bé 'mồ côi' 8 năm bán vé số đỡ đần bà ngoại
Những tấm vé số đã duy trì cuộc sống và giúp Tuyền đến lớp và học xuất sắc 

Em là Phạm Thị Ngọc Tuyền (lớp 4A, Trường Tiểu học số 2, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi). Tuổi thơ bị “cắt gọt” bởi cơm áo gạo tiền và thiếu thốn tình thương của cha mẹ nhưng Tuyền vẫn cứ là học sinh xuất sắc.

11 tuổi, 8 năm bán vé số
6 giờ sáng, tại quán cà phê New Life, trên đường Lê Khiết, TP Quảng Ngãi, cô bé có thân hình ốm nhom bước vào lễ phép mời mọi người mua vé số. Hết bàn này đến bàn khác. Tuyền gặp nhiều khách quen. Đó là những người đã biết Tuyền nhiều năm qua. Anh Vũ, sau khi mua cho Tuyền hai tờ vé số chia sẻ: “Hồi con bé còn chút tí, có lần anh em trong bàn hỏi ba mẹ đâu mà để cháu đi bán thì con bé quạu. Bảo mấy chú không mua thì thôi đừng hỏi ba mẹ con chi. Sau này hỏi mấy cô bán vé số mới biết rõ, ai cũng thương. Con bé nghị lực quá”. Rời quán cà phê New Life, Tuyền leo lên chiếc xe đạp, chạy dọc theo những tuyến phố. Nơi nào có đông người cô bé lại ghé vào mời vé số. Ngày hè của Tuyền là như vậy đấy, cả hai buổi bán mặt ngoài đường góp từng nghìn từ những tờ vé số. “Cháu ít khi đi chơi lắm. Cháu thích bán vé số kiếm tiền hơn” – Tuyền nói. Tuyền không nói về ba mẹ, không thích đi chơi, chỉ thích bán vé số. Rất kỳ lạ với cô bé 11 tuổi nhưng không kỳ lạ với Tuyền. Năm Tuyền một tuổi, ba mẹ ly dị. Cho đến giờ cô bé vẫn không biết cha mình ra sao. Mẹ Tuyền đi bước nữa, cuộc sống với chồng mới khó khăn, người mẹ trẻ “quên” mất mình có một đứa con. Có tết mẹ Tuyền về, ba năm qua chưa thấy về lần nào. Bà Trần Thị Cho (57 tuổi, ngoại Tuyền) cho biết: “Ba nó ở tận Bến Tre, li dị xong là không thấy về thăm con nữa. Chồng mới của mẹ nó cũng ở tận Bến Tre, làm không đủ trang trải nên đâu dám về thăm con”. Lúc còn nhỏ, hình ảnh bà Cho cõng cháu đi bán vé số in sâu vào góc nhớ của người dân thị trấn Chợ Chùa. Tuyền cũng nhớ, cô bé nhớ hết. Nhớ cả những lần hai bà cháu đang đi thì trời đổ mưa, bà Cho bị gai cột sống và thần kinh toại không đi nhanh được thế là hai bà cháu ướt… chỉ có xấp vé số là khô ráo. Lên năm tuổi, Tuyền chập chững theo bà và tự cầm vé số đi bán. Cô bé lém lỉnh: “Hồi đó cháu bán nhưng không biết đếm tiền. Mấy chú lấy vé số rồi đưa tiền, dư thì tự lấy lại. Nhưng toàn cho thêm chứ không có lấy của cháu. Hồi cháu sáu tuổi là biết tính tiền rồi. Mấy chú hay nói cháu là siêu nhân Vy vì cháu tính tiền quá siêu”. Từ ngày trên lưng bà ngoại đến nay Tuyền đã có tám năm ròng rã bám từng con phố góc đường kiếm sống. 

Ra khỏi lớp, vào cuội đời

11 tuổi, cô bé 'mồ côi' 8 năm bán vé số đỡ đần bà ngoại
Sách vở cho lớp năm đã được bà cháu Tuyền chuẩn bị từ số tiền rong ruổi bán vé số 

Tôi hỏi: “Cháu có nhớ ba, mẹ không?”, Tuyền lắt đầu: “Cháu không nhớ”! Bà Cho nghe vậy mà mắt rưng rưng. Bà thương con và càng thương đứa cháu chịu nhiều thiệt thòi. Cố giấu đi cảm xúc của mình bà Cho nói: “Lấy gì mà nhớ, một tuổi đã sống với tui rồi. Con 11 tuổi nhưng chắc mẹ nó về được bốn năm lần gì đó thôi. Tình cảm có bấy nhiêu sao nhớ được”. Mà cũng đúng thôi, đến thời gian riêng tư dành cho mình còn không có thì làm gì đủ để cô bé nhớ những điều thiêng liêng đã bị “lấp” đi quá lâu. Cô Trần Thị Liễu, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, Trường tiểu học số 2 Thị trấn Chợ Chùa tóm tắc về cô học trò của mình thế này: “Rời khỏi lớp là vào cuộc đời. Đi học mà có khi còn mang theo xấp vé số theo để đi bán nữa”.11 tuổi thôi, mà có biết bao nhiêu nỗi lo cứ bủa vây lấy cô bé. Sách vở cho năm học mới đã chuẩn bị xong rồi. Tất cả nhờ những tờ vé số và những buổi trưa ròng rã giữa nắng hè. Nhưng đó là nỗi lo nhỏ, Tuyền có những nỗi lo quá lứa tuổi. Có những buổi sáng thức dậy, Tuyền một mình vượt gần 10km xuống TP Quảng Ngãi lấy vé số đi bán. Đó là ngày bà Cho không thể nhúc nhích ra khỏi giường được khi đôi chân không còn chịu nghe theo bà nữa. Bệnh tật đã khiến sức khỏe mà giảm sút quá nhanh. Chính bà Cho cũng phải thừa nhận: “Thương cháu lắm, nhưng làm sao để cháu nghỉ được. Tôi ngày bán ngày không. Bán thì cũng chỉ chừng 70 tờ vé một ngày là giỏi rồi. Còn nó bán cả hai trăm tờ. Nói thì buồn nhưng tôi là chỗ dựa tinh thần thôi, chứ thật tình có khi nó làm nuôi tôi luôn ấy chứ”. Nuôi bà ngoại, Tuyền chịu, cô bé bảo rằng có thể buổi đi học buổi bán vé số kiếm tiền. Sợ nhất là một ngày không còn bà đi bán vé số cùng nữa thì lúc đó mới thật đáng sợ. Trời đổ trưa của những ngày sắp bước qua tháng mới, hai bà cháu sau một buổi chia nhau dạo quanh thành phố bán vé số tới điểm hẹn để trở về nhà vì bà Cho bị hành hạ bởi căn bệnh gai cột sống. Bữa trưa đạm bạc ở quán ăn bên đường kết thúc rất nhanh, hai bà cháu trở về nhà. Tuyền đấm lưng cho bà đỡ đau, rồi chạy đi mua thuốc…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : "bà ngoại"11 tuỏibán vé sốchợ Chùamồ côi

Các tin liên quan đến bài viết