Nhiều sản phẩm thi khoa học kỹ thuật đang được nhộn nhịp mua bán. Giá các sản phẩm từ vài trăm ngàn đồng đến cả trăm triệu đồng tùy vào thi cơ sở, thi tỉnh hay thi quốc gia.
“Mình đang có hai hệ thống ứng dụng công nghệ học tập do hai tỉnh Hưng Yên và Bình Thuận đã đầu tư nhưng không thi. Trên hệ thống của mình còn đầy đủ, tỉnh nào cần thì nhắn tin mình. Có thể lấy toàn hệ thống hoặc các công nghệ cần thiết, mình chuyển lại giá thanh lý như tiền cà phê thôi”.
Đây là lời rao bán sản phẩm cho người có nhu cầu mua dự thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT hoặc cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên.
Từ tiền triệu đến trăm triệu
Có người liên hệ, K. ra giá 4 triệu đồng, “chuyển nhượng độc quyền 100%”. Còn 5 triệu đồng sẽ có cả trí tuệ nhân tạo, lập trình online… K. giới thiệu mình là sinh viên ngành công nghệ.
“Đây là phần mềm hệ thống cung cấp môi trường học tập cho học sinh. Sản phẩm có video học STEM/STEAM, tìm phương trình hóa học, vẽ đồ thị, học bằng hình ảnh… Có cả tạo tài khoản cho học sinh, quản lý học sinh xem học gì để lựa nội dung thích hợp. Phần nghiên cứu năm rồi đạt giải nhì tỉnh nhưng thành phẩm thì chưa. Tất cả đều có số liệu thực tế hoạt động và có thể chứng minh được do bên mua thực hiện dự án này”, K. tư vấn.
Người liên hệ bày tỏ lo lắng học sinh khó trình bày hệ thống với giám khảo. Người bán trấn an có nhiều dữ liệu nên học sinh “tha hồ tâng bốc”. “Mình có mã nguồn chứng minh, chắc chắn sẽ nói được. Về cơ sở dữ liệu, dự án đã đạt một giải ba, hai giải nhì và một khuyến khích cấp tỉnh. Mình chuyển file code nên bạn có thể đổi tên, chắc chắn sẽ không trùng. Năm rồi chỉ thi cơ sở dữ liệu đã đạt giải nhì. Năm nay bổ sung thêm cơ sở dữ liệu và hoàn thiện sản phẩm nên rất có triển vọng thi quốc gia…”, K. thuyết phục thêm.
Người mua vẫn phân vân, K. đưa ra hai phương án thanh toán. Một là chỉ cần cọc 3 triệu đồng, đậu vòng quốc gia thì thanh toán phần còn lại. Hai là hoàn 95% nếu không đạt giải. Để làm tin, K. gửi giấy khen của sở GD-ĐT dành cho học sinh đạt giải nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học trước.
Trong khi đó, công ty A (Hà Nội) tự giới thiệu đang phát triển nhiều sản phẩm tiềm năng đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố và quốc gia. Các sản phẩm của công ty gồm robot và máy thông minh ứng dụng AI, hệ thống nhúng, kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, thiết kế mạch. Phóng viên liên hệ với B., người đăng thông tin. Người này cho biết đang bảo trợ cho một số tỉnh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia vào tháng 3-2023.
“Năm trước bên mình có hỗ trợ sản phẩm dự thi quốc gia và đạt giải nhì. Bên mình làm sản phẩm, hỗ trợ kiến thức cho thí sinh thi. Chi phí trọn gói cho một sản phẩm trên 150 triệu đồng”, B. tư vấn. Chúng tôi ngại giá cao, B. cho biết thi cấp nhỏ sẽ thấy chi phí cao, còn thi cấp lớn thì bình thường. “Hiện bên công ty đang làm sản phẩm trên 230 triệu đồng!”, B. quảng cáo.
Một người xưng là giáo viên cho biết sản phẩm đạt giải cấp tỉnh do người này làm, học sinh chỉ cần học thuộc và “diễn cho thật”
Khách hàng đòi lại tiền khi không đạt giải một cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh
Nhộn nhịp mua bán
Ở nhiều diễn đàn sáng tạo khoa học kỹ thuật, dự án được nhộn nhịp rao bán. Đa số dự án này đã dự thi, đạt giải cấp huyện, tỉnh. Điều đáng nói, những người bán là những giáo viên hướng dẫn dự án đó.
Để bán được nhiều lần, tránh trùng lặp, những người này nói rõ mỗi tỉnh chỉ chuyển giao cho một người. Rất nhiều người hỏi mua các dự án này. Đơn cử như giáo viên N.H.N.. Ông N. rao bán cả chục dự án khác nhau, trong đó có dự án do ông hướng dẫn đạt một số giải cuộc thi khoa học cấp tỉnh.
Tương tự, một giáo viên THPT khác rao bán một số dự án vừa đạt giải cấp tỉnh vào giữa tháng 12.
“Bạn đầu tư lấy của mình về phát triển lên có thể đi thi quốc gia được đó. Mình có nhờ thầy đại học cũ của mình tư vấn theo số liệu quy trình thử nghiệm. Trong báo cáo có đầy đủ hết. Mấy đề tài này do mình tự làm, bạn đừng lo học sinh mình khiếu nại gì nhé. Mình làm hoàn toàn và hướng dẫn học sinh học bài và diễn đạt sao cho thật nhất. Bạn lấy về và làm theo hướng dẫn trong báo cáo là được thôi. Phí 500.000 đồng”, ông này nói.
Nhiều giáo viên khác cũng rao bán các đề tài đạt giải của học sinh, nhiều nhất là lĩnh vực khoa học hành vi và cơ khí. Khi khách hàng tìm hiểu, giáo viên tư vấn lĩnh vực y sinh đòi hỏi nhiều bước thử nghiệm, giấy chứng nhận nên rất khó. Lĩnh vực cơ khí đòi hỏi phải làm ra sản phẩm, tốn kém chi phí. Lĩnh vực khoa học hành vi dễ làm nhưng đại trà, rất khó đạt giải.
Một giáo viên THPT cung cấp cho chúng tôi năm dự án, trong đó có dự án giải nhì và ba cấp tỉnh lĩnh vực khoa học hành vi. Giáo viên này cho biết ba sản phẩm do nhóm giáo viên làm, hai của người khác nhờ sửa. “Không cần giảng viên đại học đâu, giáo viên THPT có nhiều năm hướng dẫn làm dự án cũng có nhiều kinh nghiệm cũng dễ có giải cao”, cô này cho biết.
Trong khi đó, đề tài nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh có vài lời rao bán. “Tuần trước mình có mua một đề tài về thuốc lá điện tử nhưng mình không dùng đến, mình muốn làm lĩnh vực sinh hóa có sản phẩm cụ thể. Đề tài rất hay, chất lượng và đầy đủ cả báo cáo word, power point, poster… Chỉ hoàn thiện thêm cho hợp lý với trường là đi thi chắc chắn sẽ có giải cao”, một người rao bán.
Chúng tôi tiếp cận một người rao bán khác của đề tài này tên Q.. Ông Q. cho biết dự án đạt giải ba cấp tỉnh dành cho học sinh THCS. Chúng tôi đặt vấn đề cần dự án dành cho học sinh THPT, ông Q. tư vấn chỉ cần sửa THCS thành THPT là thi bình thường. “Phí 600.000 đồng, đầy đủ báo cáo poster. Bạn có thể sửa lại nội dung cho phù hợp với thực tế ở tỉnh. Cần sửa, thay biểu đồ cứ nhắn, mình sẽ hỗ trợ”, ông Q. nói.
Trong khi đó, một người khác rao bán dự án lĩnh vực y sinh đạt giải nhì tỉnh. “Cái này chỉ hướng đến giải tỉnh thôi, giải quốc gia đòi hỏi khắt khe hơn. Giá chuyển nhượng 400.000 đồng. Các thí nghiệm mình đã làm đầy đủ, không cần lo. Mình cũng có sản phẩm cơ khí, nếu chỉ lấy nội dung giá 400.000 đồng, kèm sản phẩm giá 10 triệu đồng. Làm cơ khí rất tốn kém, y sinh đỡ hơn”, người này cho biết.
“Để mọi chuyện êm đẹp còn thi tỉnh”
T.T. tự giới thiệu là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết mình làm sản phẩm dự thi và bên mua đặt cọc trước 50%.
“Thi xong họ báo lỗi, sản phẩm không chạy, quỵt luôn 50% tiền còn lại, đòi trả lại sản phẩm, chuyển lại tiền. Mình phải liên hệ trường THPT thì biết sản phẩm của mình được đi thi tỉnh, cả trường chỉ có duy nhất sản phẩm này. Lúc mình đưa ra bằng chứng thì xin mình để mọi chuyện êm đẹp để thi tỉnh”, T. nói.
Không có giải, đòi lại tiền
Tháng 5-2022, T.Q.Đ., sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), nhận làm sản phẩm cho một khách hàng ở thành phố Lào Cai để dự thi sáng tạo thanh thiếu niên. Đây là sản phẩm mà Đ. đã bán cho một người khác dự thi và đạt giải nhì năm trước. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị loại từ vòng sơ tuyển nên khách hàng đã nhắn tin cho Đ. đòi lại tiền.
Hai bên cãi nhau. Khách hàng cho rằng Đ. bán sản phẩm đểu, làm hỏng hết tương lai của một học sinh (em khách hàng). Đ. khẳng định đã sửa theo yêu cầu và sản phẩm vẫn hoạt động tốt, đầy đủ chức năng theo đặt hàng. “Lúc đi thi không nói được về sản phẩm, giám khảo hỏi không trả lời được nên không được giải”, Đ. giải thích thêm.
Nguồn: tuoitre.vn