Hơi thở có mùi trái cây có thể do người bệnh nhiễm toan ceton, một biến chứng tiểu đường nguy hiểm.
Nếu ăn tỏi, ớt hoặc các thực phẩm có mùi, bạn sẽ cảm nhận được hương vị đọng lại trong miệng. Thậm chí, một số loại đồ ăn có thể làm thay đổi hơi thở của bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn thấy có hương vị trái cây trong hơi thở dù không ăn bất kỳ loại quả nào, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường loại 1.
Nếu bạn không ăn gì nhưng hơi thở vẫn có mùi hoa quả, đó có thể là dấu hiệu của tiểu đường loại 1.
Bệnh tiểu đường loại 1 xuất hiện khi cơ thể con người không có khả năng sản xuất một loại hormone gọi là insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu. Bị tước bỏ cơ chế thiết yếu này, lượng đường trong máu có thể lên đến mức nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề về thần kinh.
Tuy nhiên, lượng đường trong máu khi có xu hướng tăng sẽ dẫn tới các dấu hiệu cảnh báo. Mặc dù các triệu chứng có vẻ mơ hồ nhưng chúng ta vẫn có cách để nhận ra.
Hôi miệng thường liên quan đến chế độ ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng kém nhưng cũng chỉ ra một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh tiểu đường loại 1. Theo Đại học Maryland (Mỹ), nếu hơi thở có mùi trái cây, có khả năng người bệnh nhiễm toan ceton do tiểu đường, một biến chứng đe dọa tính mạng.
Tình trạng này xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Cơ thể thiếu nguồn năng lượng chính nên phải chuyển sang các nguồn thay thế. Chất béo nhanh chóng được chuyển hóa thành nhiên liệu, tạo ra các hóa chất có tính axit được gọi là ceton.
Tuy nhiên, cơ thể không thể xử lý chất béo kịp thời vì quá trình này diễn ra quá nhanh. Axit sau đó bắt đầu tích tụ trong máu và cuối cùng có thể đầu độc cơ thể. Quá trình trên được gọi là nhiễm toan ceton.
Nồng độ ceton cao trong máu chính là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi trái cây. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh khuyên mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe nếu có dấu hiệu trên.
Ngoài hơi thở có mùi trái cây, bệnh tiểu đường loại 1 còn gây ra các triệu chứng bao gồm rất khát nước, đi tiểu nhiều hơn bình thường (đặc biệt vào ban đêm), mệt mỏi, giảm cân không chủ ý, tưa miệng liên tục tái phát, mờ mắt, vết cắt và vết xước lâu lành.
Khi bạn tới bệnh viện, bác sĩ sẽ xét nghiệm nước tiểu và có thể kiểm tra lượng đường trong máu của bạn.
Bác sĩ sẽ kiểm tra đường huyết, xét nghiệm nước tiểu cho người nghi ngờ mắc tiểu đường.
Bệnh tiểu đường có 3 loại:
Bệnh tiểu đường loại 1 là tình trạng tự miễn. Hệ miễn dịch của người bệnh tấn công nhầm và phá hủy các tế bào beta trong tuyến tụy sản xuất insulin – yếu tố giúp điều hòa đường huyết. Bệnh hay gặp ở người dưới 30 tuổi.
Bệnh tiểu đường loại 2 do đề kháng insulin, cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả. Bệnh hay xuất hiện ở những người trưởng thành trên 40 tuổi, có thể trạng béo phì.
Bệnh tiểu đường thai kỳ được chẩn đoán ở phụ nữ mang thai chưa có tiền sử bệnh trước đó.
Nguồn: vietnamnet