Trong phần nói lời sau cùng tại phiên tòa phúc thẩm, cựu thiếu tướng cảnh sát biển Lê Văn Minh, Lê Xuân Thanh đều nói đã nhận thức rõ các vi phạm, tội lỗi của mình và vô cùng ân hận, mong nhận được sự khoan hồng.
Sáng 29-12, sau khi đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương tiến hành đối đáp lại với phần tranh luận của các luật sư, bị cáo, hội đồng xét xử tòa phúc thẩm đã cho hai cựu tướng cảnh sát biển cùng 7 bị cáo trong vụ án nhận hối lộ, bảo kê cho “trùm” buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu nói lời sau cùng.
Nói lời sau cùng đầu tiên, cựu đại tá biên phòng Nguyễn Thế Anh (cựu phó cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng) gửi lời xin lỗi đến các cơ quan chức năng, quân đội, lực lượng biên phòng vì đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng.
Cùng với đó xin lỗi các cơ quan điều tra, truy tố của quân đội vì có lúc không nhận thức được hành vi của mình và xin lỗi mẹ, các con vì đã gây đau khổ cho gia đình.
Bị cáo Thế Anh trình bày đã rất thành khẩn và những gì sai, có sự thật đã nhận hết, do đó, mong tòa xem xét.
“Mẹ bị cáo đã yếu, trong khi bị cáo đã ly hôn vợ, hai con còn nhỏ, bản thân là trụ cột của gia đình nên mong hội đồng xét xử cho bị cáo sớm được trở về phụng dưỡng mẹ, nuôi dạy con trở thành người có ích, tốt cho xã hội”, bị cáo Thế Anh nêu.
Cựu đại tá biên phòng cũng cho rằng do hành vi vi phạm của mình nên bị cáo Nguyễn Văn An (em họ) mới vi phạm pháp luật. Do đó mong hội đồng xét xử công tâm, khách quan đánh giá lại vai trò để cho bị cáo có mức án nhẹ nhất.
Nói lời sau cùng sau đó, cựu thiếu tướng Lê Văn Minh (cựu tư lệnh Vùng 4 cảnh sát biển) nói những vi phạm, tội lỗi của mình đã ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quân đội, cảnh sát biển. Đồng thời bày tỏ nhận thức sâu sắc những tội lỗi, hành vi gây ra và vô cùng ân hận.
“Sự ân hận đó tột cùng và chẳng bao giờ xóa được”, ông Minh nói và trình bày bản thân sinh ra trong gia đình cách mạng, công tác trong quân ngũ, phấn đấu, trưởng thành hơn 40 năm lên quân hàm thiếu tướng.
“Không ngờ cuối đời lại vướng vào vòng lao lý, xuống dưới tột cùng, đáy của đời sống xã hội”, ông Minh nêu thêm và cho rằng tòa sơ thẩm tuyên án 15 năm tù đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật nhưng quá nặng nề.
Bị cáo cũng cho hay sức khỏe ngày càng giảm, nhiều bệnh tật, gia đình khó khăn nên mong hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội trở về với gia đình.
Cựu thiếu tướng Lê Xuân Thanh (cựu tư lệnh Vùng 3 cảnh sát biển) trong lời nói sau cùng cũng bày tỏ vô cùng ân hận vì những hành vi vi phạm pháp luật của mình.
Ông Thanh mong hội đồng xét xử xem xét trường hợp của mình để tạo điều kiện cho sớm được trở về với gia đình, xã hội, phấn đấu làm công dân tốt trong những ngày còn lại của mình.
Cũng trong phần nói lời sau cùng sau đó, một số bị cáo đã khóc, bày tỏ sự ân hận, xin lỗi và mong hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, hội đồng xét xử cho biết sẽ tiến hành nghị án và 14h30 ngày 29-12 sẽ tuyên án phúc thẩm.
Nguồn: tuoitre.vn