Việc ứng dụng thiết bị giám sát quãng đường và thời gian (DAT) trong thực hành lái xe là một nội dung hoàn toàn mới, do vậy không tránh khỏi những trục trặc về thiết bị cũng như bỡ ngỡ ban đầu của cả người dạy và học.
Sau khi VietNamNet đăng tải loạt bài phản ánh những tình huống “dở khóc dở cười” trong quá trình học lái xe ô tô khi thiết bị DAT bị lỗi, đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã sớm nắm được các vấn đề của thiết bị này, đồng thời có những chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời để phát huy hết hiệu quả trong công tác nâng cao chất lượng dạy và học lái xe.
Từ 15/6, tất cả xe tập lái trên đường trường đều phải lắp thiết bị DAT theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lương Duyên Thống – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc ứng dụng thiết bị DAT để giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe là một nội dung hoàn toàn mới đối với các cơ sở đào tạo lái xe cũng như cơ quan quản lý. Do vậy, không tránh khỏi những trục trặc về thiết bị cũng như bỡ ngỡ ban đầu giống như nhiều học viên và giáo viên dạy lái xe phản ánh.
Theo ông Thống, điều này đến từ nhiều lý do: Trình độ công nghệ thông tin của cán bộ tại các cơ sở đào tạo lái xe trên toàn quốc không đồng đều, do vậy trong thời gian đầu, các cơ sở khá lúng túng trong việc thực hiện các quy định về truyền dữ liệu DAT cũng như hướng dẫn giáo viên vận hành thiết bị DAT; thiết bị DAT còn xảy ra hiện tượng hoạt động chưa ổn định, việc truyền dữ liệu DAT từ thiết bị lắp trên xe về máy chủ quản lý của cơ sở đào tạo, có lúc bị gián đoạn.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, qua các buổi tập huấn, hỗ trợ của Cục Đường bộ Việt Nam, đơn vị vận hành hệ thống và các nhà cung cấp thiết bị, việc tiếp nhận và truyền dữ liệu DAT đã ổn định, ghi nhận chính xác thời gian và quãng đường học tại từng phiên học của học viên, những lỗi liên quan đến thiết bị về cơ bản đã được xử lý.
“Thời gian qua, chúng tôi đã liên tục có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở Giao thông vận tải, cơ sở đào tạo lái xe, các đơn vị cung cấp thiết bị DAT và các đơn vị thử nghiệm, chứng nhận hợp quy theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng và quản lý, khai thác dữ liệu DAT”, ông Thống nói.
Học viên lái xe sẽ yên tâm hơn với các thiết bị giám sát trên xe trong thời gian tới.
Cũng theo đại diện Cục Đường bộ Việt Nam, qua tổng hợp đánh giá của các địa phương sau 6 tháng thực hiện, việc ứng dụng DAT vào công tác quản lý đào tạo được học viên, cơ sở đào tạo và các sở GTVT đánh giá cao. Thông qua hệ thống DAT, học viên được học đủ thời gian và số km lái xe trên đường theo quy định, được học đủ trên các loại điều kiện địa hình và tình trạng giao thông khác nhau, qua đó nâng cao kỹ năng lái xe.
Thiết bị DAT giúp các cơ sở đào tạo lái xe kiểm soát được công tác giảng dạy phù hợp với kế hoạch đào tạo, quản lý được việc sử dụng phương tiện cũng như sử dụng giáo viên dạy lái xe, để chủ động trong kế hoạch bảo dưỡng phương tiện và bảo đảm các quy định về sử dụng lao động.
Còn các cơ quan quản lý như Cục Đường bộ hay các sở GTVT thông qua thiết bị giám sát có thể giảm bớt được công tác kiểm tra trực tiếp tại đơn vị, kiểm soát được tuyến đường đào tạo lái xe và xác định được các học viên đã hoàn thành đủ quãng đường và thời gian học thực hành lái xe trên đường, làm căn cứ để xét duyệt cho phép tham dự kỳ sát hạch.
Số liệu được Cục Đường bộ Việt Nam cung cấp cho thấy, sau 6 tháng triển khai áp dụng giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe của học viên bằng thiết bị DAT, có 38.383 xe tập lái đã lắp đặt và sử dụng thiết bị DAT, giám sát 561.138 học viên (trong đó 374.903 học viên đủ điều kiện dự sát hạch) với tổng số 11.307 khóa học và 5.170.177 phiên học thực hành lái xe.
Theo tìm hiểu, hiện nay có 8 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe (DAT) được Cục Đường bộ Việt Nam công nhận phù hợp với QCVN 105:2020/BGTVT gồm: Công ty CP Kỹ thuật công nghệ EcoTek; Công ty CP Công nghệ sát hạch Toàn Phương; Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà An; Công ty CP Sản xuất thiết bị điện tử tin học; Công ty TNHH BHQ Việt Nam; Công ty TNHH Công nghệ giáo dục 4.0; Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh. Thiết bị DAT bao gồm cả phần cứng (thiết bị kết nối Sim 4G, bộ phận đọc thẻ, camera, màn hình hiển thị,…) và phần mềm do từng đơn vị phát triển phù hợp với QCVN 105:2020/BGTVT. Giá thành mỗi bộ thiết bị dao động khoảng 7-9 triệu đồng, tuỳ từng thương hiệu và chủng loại. |
Nguồn: vietnamnet