Chỉ còn ít ngày nữa là khép lại năm 2022. Đến lúc này, có thể khẳng định du lịch Việt Nam không thể cán mục tiêu đón 5 triệu lượt khách như đã đề ra.
Với khoảng 3,5 triệu lượt khách, kết quả không nhiều bất ngờ nhưng nỗi thất vọng vẫn rất lớn, vì sao?
Du lịch Việt Nam chính thức mở cửa từ ngày 15-3 trong niềm vui vỡ òa của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay sau đó, các doanh nghiệp vẫn chủ động nhập cuộc với nhiều bối rối khi những rào cản về kiểm dịch vẫn còn.
Phải đến hai tháng tiếp theo, Việt Nam bắt đầu có những đoàn khách quốc tế đầu tiên, đem đến kỳ vọng về một mùa hè sẽ “khởi động” cho sự hồi phục trở lại vào những tháng cuối năm. Nhưng khi hè đi qua, mùa cao điểm thu đông của dòng khách Âu – Mỹ đến, các công ty vẫn chưa có tia hy vọng nào về việc hồi phục tích cực.
Cơ quan chức năng đưa ra nhiều lý do để lý giải cho kết quả thất vọng của ngành du lịch. Nhưng nếu nhìn qua các nước cũng mở cửa du lịch cùng lúc với Việt Nam, những biện hộ ấy rất thiếu thuyết phục.
Những ngày đầu tháng 12, ngành du lịch Thái Lan làm lễ tưng bừng đánh dấu cột mốc đạt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022. 10 triệu lượt du khách này đã chi khoảng 500 tỉ baht (14,4 tỉ USD), trung bình 50.000 baht (tương đương 1.442 USD) mỗi người trong chuyến thăm xứ sở chùa vàng!
Tương tự là Singapore, từ chính sách chống dịch nghiêm ngặt đã nhanh chóng “xoay chiều” bằng cách nới lỏng quy định nhập cảnh, số lượng du khách quốc tế đến đảo quốc tăng đáng kể và đang hướng đến con số 6 triệu lượt.
Nhiều doanh nghiệp nói họ không thất vọng vì Việt Nam là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất nhưng lại “đội sổ” về lượng khách so với các nước. Điều doanh nghiệp ngậm ngùi là cách nhìn nhận về ngành này cũng như chính sách hỗ trợ hồi phục cho ngành đang được xem “là kinh tế mũi nhọn”.
Đáng ra, ngay sau dịch là thời điểm chúng ta cần bung lực lượng xúc tiến ra thế giới, tổ chức các buổi roadshow giới thiệu về du lịch Việt Nam ở nước ngoài; các thị trường trọng điểm hoặc các thị trường đã mở cửa rộng rãi thì các hoạt động này lại thiếu vắng.
Phần lớn những hoạt động quảng bá với thị trường mới như Ấn Độ, các nước Trung Đông đều xuất phát từ các doanh nghiệp lữ hành và hãng hàng không – tự nhận thấy có nhu cầu rồi đi xúc tiến.
Dù đã có bước hồi phục, du lịch quốc tế vẫn chưa có cú hích lớn. Việc duy trì chính sách miễn visa 15 ngày như hiện nay rất khó để khách có thể vào và ở lâu. Ngoài ra cần bắt kịp xu hướng nổi bật nhất là số hóa, thay đổi cách tiếp cận 70% du khách đang phải tìm thông tin trên các website, kết nối vào các nền tảng xã hội lớn…
Theo các nhà kinh doanh, nếu may mắn thì phải tới mùa hè 2023 thị trường inbound mới lại có cơ hội khởi sắc. Và từ bây giờ, để có bàn đạp cho bước tăng trưởng mới, ngành du lịch cần tập trung phân tích con số hơn 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian qua là ai, đến từ đâu, mục đích gì?
Nguồn: tuoitre.vn