Cử tri TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng.

Cùng với đó, cử tri cũng đề nghị cần có thêm những chủ trương, chính sách hợp lý hơn để công nhân, lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội.

Trả lời vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết vừa qua, Bộ đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16 ngày 28/01/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Buộc thu hồi nhà ở xã hội, buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua đối với dự án nhà ở xã hội thực hiện bán, cho thuê không đúng đối tượng 

Theo đó, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 có quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng cho biết, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk…

Như việc đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích…

Thực tế, tại Hà Nội, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhà ở xã hội đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại dự án 30 Phạm Văn Đồng (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy).

Cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Điển hình như dự án NƠXH tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 2 có 158 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome 1 có 200 trường hợp…

Hay tại Bắc Ninh, Sở Xây dựng đã phát hiện nhiều trường hợp bán NƠXH không đúng đối tượng, có hiện tượng bắt buộc khách hàng phải mua thêm “gói nội thất”. Thậm chí thu tiền thêm ngoài hợp đồng.

Tại các dự án Khu nhà ở chung cư cho người có thu nhập thấp tại Bắc Từ Sơn và dự án nhà ở xã hội Cao Nguyên, Sở Xây dựng Bắc Ninh chỉ rõ việc bán nhà cho không đúng đối tượng, có hiện tượng thu tiền thêm ngoài hợp đồng được ký kết; có hiện tượng kê khai thuế chưa chính xác, không xuất hóa đơn đầy đủ theo quy định của pháp luật về thuế.

Tại dự án khu nhà ở chung cư cho người có thu nhập thấp tại khu nhà ở Bắc Từ Sơn còn có hiện tượng bắt buộc khách hàng phải mua thêm gói nội thất ngoài giá trị hợp đồng được ký kết.

Tại dự án khu nhà ở xã hội Dabaco Khắc Niệm của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam, theo kết luận của Sở Xây dựng Bắc Ninh, xảy ra tình trạng ký hợp đồng bán nhà ở cho một số khách hàng không đúng quy định về trình tự, thủ tục mua bán nhà ở; có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không được chủ đầu tư ủy quyền nhưng thực hiện việc môi giới mua bán tại dự án.

Đề xuất bỏ quy định chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội

Về chủ trương, chính sách để công nhân, người lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho hay, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nỗ lực trong việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo), gặp khó khăn về chỗ ở.

Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách nhà ở cho đối tượng người thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm “an cư lạc nghiệp”.

Mới đây, trả lời cử tri Hà Nội, liên quan đến việc nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Bộ Xây dựng cho  biết, đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Một trong những phương án đưa ra theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng. Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh;

“Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường, lớp dành cho người khuyết tật, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội” – Bộ Xây dựng thông tin.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : bộ xây dựngnhà ở xã hội

Các tin liên quan đến bài viết