Chiến lược ngành thuỷ sản đang chuyển dần từ khai thác, đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu được đánh giá là đúng hướng, để duy trì đà tăng trưởng ấn tượng và bền vững.

135 triệu USD là doanh thu xuất khẩu dự kiến sẽ đạt được trong năm nay của Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng). Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT công ty, con số trên tăng khoảng 35% so với năm tài chính 2021. Dự kiến năm 2023, doanh nghiệp sẽ duy trì mức doanh thu tương ứng.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm xuất khẩu Nam Hải (Cần Thơ) cũng cho biết, với 3 nhà máy sản xuất, chế biến thủy sản, doanh thu năm của đơn vị đạt hơn 80 triệu USD.

Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, kết thúc năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản dự kiến sẽ cán đích 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2021. Đây là mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.

Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) đã thốt lên từ “ngoạn mục” để bình luận về những nỗ lực của ngành trước những khó khăn, biến động chung của kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Dẫu vậy, vị doanh nhân này cho rằng, đây là thời điểm các doanh nghiệp cần tự tái cơ cấu, quản trị hàng tồn kho tốt hơn, đầu tư tập trung, không tràn lan khi vốn tín dụng có hạn. Hiện, lĩnh vực chế biến thủy sản Việt Nam có chỗ đứng nhất định trên thế giới, do đó, các công ty cần chiếm lĩnh thị phần cao cấp để nâng tỷ suất lợi nhuận cho các sản phẩm chế biến, thay vì tập trung vào phân khúc thị trường bình dân.

Ngành thủy sản Việt Nam đang dần thay đổi, chuyển từ đánh bắt sang nuôi trồng, chế biến sâu. 

“Đầu tư, tập trung chế biến sâu hàng cao cấp để tạo lợi thế. Không phải quốc gia nào cũng làm được như chúng ta. Dù còn khó khăn nhưng tôi có lòng tin vào năm 2023, giá trị của con tôm xuất khẩu sẽ không thua năm 2022”, ông Lực nói.

Bước chuyển tỷ USD 

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – cho hay, sau 5 năm bị gắn thẻ vàng IUU của châu Âu, Chính phủ, các doanh nghiệp, hệ thống cảng cá và cộng đồng nông ngư dân đang có cách nhìn mới. Khi cấm đánh bắt, ngư dân sẽ gặp khó, việc chuyển hướng sang nuôi trồng thủy hải sản là cần thiết.

Để giảm cường lực khai thác trên biển, đất nước Na Uy phải mất thời gian từ 40-50 năm, còn tầm nhìn và chiến lược tới năm 2030 cho ngành thủy sản Việt Nam đã rõ, các bên phải cùng đi, cùng thực hiện thì mới đến đích được. Để giải bài toán chuyển hướng này, cơ quan quản lý phải rất quyết tâm, hệ thống lại toàn bộ năng lực ngành để thay đổi. Với quyết tâm từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thì thẻ vàng IUU sẽ sớm được gỡ bỏ, theo Phó Chủ tịch VASEP.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thông tin, ngành sẽ hướng nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển công nghiệp để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế. Đơn cử, thủy sản mở ra các ngành hàng mới như nuôi kết hợp đối tượng nhuyễn thể, rong, tranh thủ điều kiện tự nhiên, phù hợp chi phí đầu vào, giảm phát thải và tăng cường bảo vệ môi trường. Quan trọng, đời sống nông ngư dân được nâng cao sẽ góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, chiến lược nuôi trồng thủy sản từ nay tới năm 2030 là 7 triệu tấn/năm, 11 tháng của năm 2022 đã đạt 4,7 triệu tấn, tăng 71,74% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, số lượng khai thác chỉ có 2,8 triệu tấn, tương đương giảm 2,1%. Những số liệu trên cho thấy bước chuyển trong phát triển thủy sản bền vững.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : khai thác thủy sảnnuôi trồng thủy sảnxuất khẩu thủy sản

Các tin liên quan đến bài viết