Thiết bị giám sát quãng đường và người lái (DAT) bị đơ do gặp nắng, mất GPS, camera không nhận diện được khuôn mặt khi trời quá sáng hoặc xe dán kính quá tối là những lỗi khá hay gặp trong quá trình dạy và học lái xe hiện nay.
Quy định về việc người học muốn được cấp Giấy phép lái xe (GPLX) hạng B2 phải hoàn thành tối thiểu 810 km đường trường với thiết bị DAT giúp quản lý chặt chẽ, hiệu quả và minh bạch quá trình học lái xe. Tuy vậy trong thời gian đầu áp dụng, thiết bị này đã phát sinh khá nhiều lỗi, dẫn tới những tình huống nằm ngoài sự mường tượng của cả thầy và trò.
Thiết bị giám sát thời gian và quãng đường (DAT) giúp người được cấp GPLX phải “học thật, thi thật”.
Chia sẻ với VietNamNet, độc giả Hoàng Minh ở Bắc Ninh nhận định, các quy định mới như bắt buộc phải chạy đủ 810 km giúp người học có đủ “giờ bay”, tự tin hơn khi ra đường. Tuy vậy, việc phụ thuộc quá nhiều vào máy móc đôi lúc cũng khiến cả người dạy và người học bối rối, thậm chí lâm vào cảnh “thiệt đơn thiệt kép”.
“Có lần lái gần xong buổi rồi mà thiết bị DAT tự dưng mất tín hiệu 4G khiến đồng hồ không chạy. Thế là toàn bộ đoạn đường vài chục km của tôi bị “reset” theo. Vẫn biết được lái nhiều sẽ tốt cho mình, nhưng đôi lúc lại khá mất công mất việc. Nhóm tôi có một bạn còn phải chuyển sang kỳ sát hạch sau vì chưa đủ số km cần lái do những lỗi như vậy. Chưa kể khi đó thì chi phí xăng xe học viên sẽ phải bỏ ra, còn các thầy cũng mất thời gian hơn”, anh Minh nói.
Kể về quá trình học lái xe của mình, chị Nguyễn Thị Thanh (41 tuổi, ở TP. Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, thiết bị DAT trên xe mà chị sử dụng rất hay gặp lỗi như không nhận diện được khuôn mặt hoặc mất tín hiệu dẫn về máy chủ, hay “đơ” vào lúc trời nắng nóng.
“Có lần chúng tôi ăn trưa xong và ra xe để chuẩn bị đi tiếp thì máy DAT bị “đơ”, không nhận tín hiệu GPS và đăng nhập được. Thế là phải đưa xe vào chỗ mát rồi chờ khoảng 20 phút cho nguội rồi mới dùng được. Từ đó cứ mỗi khi đi đường hoặc đỗ xe ngoài trời nắng là thầy phải che cho máy DAT kỹ hơn che cho người”, chị Thanh kể.
Trước mỗi ca học, cả giáo viên và học viên đều phải “quẹt thẻ” để đăng nhập vào thiết bị.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định mới, anh Vũ Thanh Tùng – Giáo viên trường Trung cấp nghề GTVT Bắc Giang cho biết, ý thức và năng lực của người học lái xe ô tô là vấn đề khá nhức nhối trong thời gian vừa qua, trong đó không ít nơi “học chui, học tắt”, chạy không đủ km. Thế nên, khi có máy móc giám sát sẽ giúp người học nghiêm túc rèn giũa hơn ngay từ lúc mới bắt đầu ôm vô-lăng.
Việc học lái xe với DAT được trường Trung cấp nghề GTVT Bắc Giang áp dụng từ 15/6. Vì là lần đầu tiên được tiếp cận với thiết bị mới mẻ này nên thực tế đã xảy ra nhiều tình huống khá trớ trêu với thầy và trò.
“Các vấn đề trong thời gian đầu tiên dùng DAT thì nhiều lắm, nhất là các lỗi về nhận diện người lái. Đơn cử như lúc đầu ca, học viên không đeo kính nhưng sau khi ngồi lái xe lại đeo kính, máy không nhận ra. Hay ngoài trời bị chói sáng, thậm chí có xe dán kính tối quá cũng không nhận diện được,…”, anh Tùng kể.
Sau một thời gian làm quen, các giáo viên như anh Tùng đã dần thích nghi và rút được ra được nhiều kinh nghiệm để hạn chế các lỗi phát sinh. Tuy nhiên theo vị giáo viên này, các cơ quan quản lý cần liên tục nghiên cứu, nâng cấp thiết bị, phần mềm nhằm đảm bảo yêu cầu dạy học, qua đó hạn chế tối đa các tồn tại để học viên đỡ thiệt, còn giáo viên không mất thời gian.
Nguồn: vietnamnet